Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

07:05, 16/05/2015

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của tỉnh luôn khẳng định được vai trò quan trọng của mình đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là nền tảng vững chắc, động lực then chốt phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cán bộ và nhân dân tham quan sản phẩm KHCN tiêu biểu do Sở KH và CN hỗ trợ triển khai tại Triển lãm sản phẩm KHCN Nam Định lần thứ nhất.
Cán bộ và nhân dân tham quan sản phẩm KHCN tiêu biểu do Sở KH và CN hỗ trợ triển khai tại Triển lãm sản phẩm KHCN Nam Định lần thứ nhất.

Xác định vai trò quan trọng của mình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương, Sở KH và CN đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng KHCN, tăng cường mạnh mẽ tiềm lực KHCN; phát huy hiệu quả hoạt động các tổ chức KHCN trên địa bàn và cụ thể hóa các nhiệm vụ khoa học với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới công tác quản lý Nhà nước về KHCN nhằm nâng cao năng lực KHCN của tỉnh làm nền tảng vững chắc và động lực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2014, Sở KH và CN đã tổ chức quản lý, nghiệm thu 69 nhiệm vụ khoa học ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, công nghệ thông tin, khoa học xã hội và nhân văn. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đã được hoàn thiện để triển khai ứng dụng thành công vào thực tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, bưu chính, viễn thông, y tế, bảo vệ môi trường… Trong lĩnh vực nông nghiệp, các đề tài, dự án KHCN tập trung tìm các giải pháp tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi ở tất cả các khâu như ứng dụng công nghệ trong sản xuất cây, con giống; khảo nghiệm, lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của điạ phương; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi để hướng dẫn người dân ứng dụng vào thực tế sản xuất. Trong đó nhờ ứng dụng KHCN, tỉnh ta đã làm chủ việc lai tạo, sản xuất nhiều giống cây trồng, con nuôi chất lượng cao như: đã lai tạo thành công giống lúa Thiên Trường 217, được các chuyên gia đánh giá cao về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu tốt; sản xuất giống siêu nguyên chủng khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh, cung ứng giống sạch bệnh cho sản xuất cây vụ đông trên địa bàn tỉnh và chủ động tiếp thu công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm một số loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao (ngao, tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá chình, tu hài, hàu, cá lăng, cá vược, cá song chấm nâu, cá đối mục...) đáp ứng nhu cầu nuôi trồng trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực công nghiệp, Sở KH và CN đã tập trung ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, phù hợp nhu cầu, tiềm lực của tỉnh như công nghệ sản xuất săm lốp cao-su của Đài Loan, công nghệ đúc bằng mẫu tự tiêu sản xuất các sản phẩm đúc như răng gầu, má nghiền, bi nghiền, công nghệ ép thủy lực song động để sản xuất gạch không nung; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm tạo ra những sản phẩm mới như: máy chế biến lâm sản phay mộng đa năng PĐB-5; sản xuất lò đốt rác LOSIHO phù hợp mô hình xử lý rác tại nông thôn. Thực hiện hỗ trợ hơn 100 nhãn hiệu sản phẩm của tỉnh đăng ký tài sản trí tuệ; kiểu dáng công nghiệp và hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất để nâng cao chất lượng hàng hóa đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong lĩnh vực y dược, Sở KH và CN đã góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất thuốc ứng dụng thành công quy trình chiết xuất Sapônin trên quy mô công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế với năng suất cao hơn so với các quy trình trước đây, đồng thời mở ra hướng phát triển vùng dược liệu, góp phần nâng cao giá trị thuốc nam, tăng thu nhập cho nông dân; nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất màng bao phim viên nén trong sản xuất thuốc chống lao, kết hợp ba thành phần có chất lượng tương đương các loại thuốc của Đức, Ấn Độ, được Bộ Y tế công nhận, mang lại hiệu quả xã hội cao trong điều trị bệnh lao, giảm chi phí chữa bệnh, thay thế thuốc nhập khẩu. Đồng thời xây dựng và triển khai nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe có ý nghĩa cộng đồng, phòng, chống các dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao... Hoạt động khoa học xã hội và nhân văn đã tập trung nghiên cứu các vấn đề về quản lý kinh tế, về văn hóa, xã hội đặc thù của tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, làm cơ sở khoa học cho việc ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh. Lần đầu tiên các nguồn lực tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường được đánh giá, phân tích với vai trò là nguồn lực cơ bản cho phát triển bền vững, đây là những luận cứ khoa học chính xác giúp các ngành, các cấp đề xuất các chính sách, mô hình, giải pháp về kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục thực hiện vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Sở KH và CN tiếp tục đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện 17 nhiệm vụ khoa học trong năm 2015. Trong đó có 13 dự án ứng dụng công nghệ vào công việc chuyên môn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Nhiều dự án hướng đến giải quyết các vấn đề cụ thể ở cơ sở như: Ứng dụng CNTT vào quản lý hệ thống thủy nông, quản lý đối tượng bảo trợ xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN còn gặp nhiều khó khăn như: Xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh còn thấp, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực KHCN nên việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới còn khó khăn. Hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thành nhu cầu sống còn, cạnh tranh nên đổi mới công nghệ còn chậm. Công tác đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có chuyển biến tốt, nhưng việc quảng bá, phát triển thương hiệu chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Đội ngũ nhân lực KHCN tuy đông về số lượng nhưng thiếu chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn. Chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Để KHCN thực sự là đòn bẩy, động lực cho phát triển kinh tế thì các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có nhận thức, quan niệm đúng đắn hơn về vai trò nền tảng và động lực của KHCN trong phát triển kinh tế. Song song với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hằng năm phải xây dựng kế hoạch phát triển KHCN và coi đó là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị mình; nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có kế hoạch đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Sở KH và CN tiếp tục tập trung ứng dụng các tiến bộ KHCN để khảo nghiệm, tuyển chọn và sản xuất nhanh các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ KHCN và triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com