Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác PCTT và TKCN năm 2015 của cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, ngành TT và TT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung khắc phục những hạn chế, thiếu sót có thể ảnh hưởng đến thông tin liên lạc.
Công nhân VNPT Nam Định kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, bảo đảm an toàn thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. |
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy PCTT; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống lụt bão, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành các cấp. Các đơn vị viễn thông tập trung kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, mạng lưới viễn thông; tăng cường năng lực mạng thông tin di động tại các khu vực trọng điểm PCTT của tỉnh và các địa phương; tăng cường xe thông tin di động vô tuyến sóng ngắn, trạm BTS lưu động phục vụ PCTT; chú trọng kiên cố hoá nhà trạm, phòng máy; ngầm hoá và kiên cố hoá mạng ngoại vi. Tất cả trạm viễn thông của VNPT Nam Định, các trung tâm viễn thông huyện đều được trang bị thêm máy phát điện dự phòng. Ngoài ra, Trung tâm Viễn thông Thành phố Nam Định được giao quản lý hai máy phát điện để kịp thời ứng cứu cho các trung tâm viễn thông các huyện. VNPT Nam Định đã phối hợp với đơn vị chuyên ngành kiểm tra chất lượng, hoàn thành bảo dưỡng tổng đài, các hệ thống truyền dẫn trước mùa mưa bão; kiểm tra, củng cố toàn bộ hệ thống dây tiếp đất, hệ thống bảo an, thu lôi chống sét, cột anten vi ba, dây co, cột chống. Hiện, VNPT Nam Định đã hoàn tất việc dồn ghép 2 tổng đài HostE 10 thành 1Host tối ưu thiết bị, hợp lý hóa mạng lưới, vùng phủ sóng di động; phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện và VNP tối ưu vùng phủ sóng di động Vinaphone qua đó tăng cường năng lực vùng phủ sóng 2G, 3G trên toàn tỉnh. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng xử lý sự cố nhằm ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì, ổn định, bảo đảm thông tin thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và PCTT, lũ lụt của tỉnh. VNPT Nam Định còn quản lý và duy trì ổn định hoạt động của hai thiết bị vệ tinh quốc tế Inmarsat cầm tay, sẵn sàng phục vụ công tác chỉ đạo PCTT của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Tại Chi nhánh Viettel, tất cả các đơn vị của chi nhánh đều xây dựng kế hoạch PCTT và ứng cứu thiên tai, trong kế hoạch đã nêu rõ trên từng địa bàn huyện có bao nhiêu vị trí trạm có nguy cơ ngập lụt, có bao nhiêu trạm có nguy cơ bị cô lập, các trạm quan trọng bắt buộc phải giữ trong điều kiện mưa bão, các tuyến cáp xung yếu cần bảo vệ, phân công từng cá nhân thực hiện túc trực tại các vị trí quan trọng. Chuẩn bị bố trí sẵn 1 xe cơ động phục vụ công tác điều hành trong bão cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nam Định tại UBND tỉnh. Trang bị áo phao, áo mưa, dép dọ, quần áo đi mưa, đèn pin chống nước cho toàn bộ nhân viên kỹ thuật tại các trạm, bổ sung can xăng, phi xăng dự phòng cho 100% các vị trí trạm trên địa bàn tỉnh. Hiện, chi nhánh đang tập trung kiểm tra, củng cố lại hệ thống cơ khí của toàn bộ các trạm trên toàn tỉnh: bắt chặt các bulông, ốc vít, chốn a củng cố hệ thống tiếp địa chống sét, xây dựng nhà để máy phát điện. Thực hiện bảo dưỡng, gia cố cho toàn bộ vị trí trạm ven biển, củng cố cột dây co, tháo hạ một số tuyến viba được quang hóa để giảm tải cho các cột BTS. Tập trung ngầm hóa cho toàn bộ các trạm ứng cứu thông tin mức 1, các trạm ven biển phục vụ công tác PCTT của chi nhánh: triển khai 45 tuyến cáp ngầm với tổng chiều dài 90km phục vụ kiên cố hóa mạng lưới. Triển khai phát sóng thêm 30 vị trí trạm mới, đảm bảo vùng phủ, phục vụ tốt công tác PCTT-TKCN của tỉnh. Triển khai 80 tuyến cáp/180km cáp quang, 60 tuyến viba mới phục vụ vu hồi cho các trạm BTS. Bưu điện tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, kịp thời tổ chức các tuyến đường thư bảo đảm an toàn về người, lưu thoát túi, gói, không để xảy ra mất mát, ứ đọng, đảm bảo chuyển phát kịp thời, không để xảy ra sai sót đối với các công văn hỏa tốc của Ban chỉ huy PCTT các cấp. Hiện tại, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện chế độ trực; chủ động theo dõi diễn biến bão lụt, triển khai kịp thời các phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo của các cấp. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu (xăng dầu), tập kết máy nổ dự phòng sẵn sàng ứng cứu khi có bão. Chuẩn bị vật tư dự phòng (cột bê tông, áo phao, dây súp, áo mưa, đèn pin, mũ bảo hiểm...) tập kết tới các vị trí thuận lợi để sẵn sàng ứng cứu phục vụ công tác PCLB. Bố trí các đội trực ứng cứu 24/24 giờ và phương tiện tại các khu vực trọng điểm, các trạm ưu tiên để kịp thời xử lý sự cố trong tình hình mưa bão, không để mất liên lạc trên diện rộng ảnh hưởng đến công tác điều hành của các cấp chính quyền.
Để nâng cao hiệu quả đối phó với thiên tai, Sở TT và TT có kế hoạch trước mỗi cơn bão sẽ thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp để chỉ đạo công tác PCTT của các đơn vị trên địa bàn các huyện ven biển. Sở TT và TT bảo đảm Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin, duy trì hoạt động của cổng, hệ thống hộp thư điện tử tỉnh; phối hợp với các đơn vị của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong việc đảm bảo hoạt động của hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh. Đảm bảo tốt đường truyền, thiết bị sẵn sàng phục vụ hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến huyện. Sở còn chỉ đạo các đơn vị TT và TT thường xuyên tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong PCTT và TKCN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về phương án đối phó thiên tai trong bão, Sở TT và TT chỉ đạo các doanh nghiệp ngành TT và TT phải tập trung chỉ đạo, kịp thời, linh hoạt triển khai phương án PCTT của đơn vị mình nhằm ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của bão. Ngay sau khi bão đi qua, lãnh đạo các doanh nghiệp ngành TT và TT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão. Trong đó chú trọng căng chỉnh lại các dây fider anten bị hư hỏng; gia cố cột, móng co, nhà trạm; củng cố lại mạng lưới cáp quang, cáp đồng bị ảnh hưởng; tổ chức các đội tối ưu đo kiểm, bảo dưỡng mạng lưới viễn thông sau bão. Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN của ngành luôn theo sát tình hình thiên tai; chỉ đạo việc đảm bảo thông tin liên lạc, xử lý khắc phục hậu quả thiên tai; thường xuyên báo cáo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và Bộ TT và TT để có chỉ đạo, giải quyết kịp thời khi có tình huống sự cố xảy ra, đặc biệt đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành khắc phục hậu quả sau bão./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý