Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH và CN công lập được quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5-9-2005 của Chính phủ (NĐ 115). Đây là văn bản pháp lý quan trọng để các tổ chức KH và CN, các nhà khoa học được thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển mạnh quản lý KH và CN từ cơ chế hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường; tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH và CN. Thực hiện NĐ 115, ngày 20-6-2013, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Đề án chuyển đổi hai đơn vị là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (UDTBKHCN), Trung tâm Tin học và Thông tin khoa học công nghệ (TH và TTKHCN) thành tổ chức KH và CN tự trang trải kinh phí hoạt động theo hướng phân bổ kinh phí theo nhiệm vụ được giao thay vì cấp kinh phí hoạt động theo số lượng biên chế. Nhờ nỗ lực tập trung sắp xếp lại bộ máy quản lý, nhân sự ở các phòng chuyên môn nghiệp vụ và đầu tư cho việc nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới đến nay hai đơn vị này đã đạt nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu, phát huy tính sáng tạo, bước đầu tiếp cận được với thị trường công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ.
Sản xuất giống cây trồng theo phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN). |
Để các tổ chức KH và CN chuyển đổi thành công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Sở KH và CN đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp các đơn vị tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN, sản xuất những sản phẩm mới đáp ứng thị trường địa phương và các tỉnh lân cận. Hỗ trợ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động các đơn vị tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan đề xuất UBND tỉnh ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên. Sở KH và CN đã bàn giao cho Trung tâm UDTBKHCN 1.000m2 nhà làm việc, 504m2 nhà lưới điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, 1.800m2 hồ điều hoà và các công trình phụ trợ được thiết kế hiện đại tạo điều kiện làm việc, nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm tốt nhất. Đồng thời đầu tư hệ thống Trung tâm dữ liệu (Data Center) và các thiết bị chuyên dụng khác để Trung tâm TH và TTKHCN có đủ điều kiện làm đầu mối thúc đẩy việc nghiên cứu ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh. Đây là nền móng vững chắc cho các trung tâm tự tin tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Bên cạnh sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở KH và CN, bản thân các đơn vị chuyển đổi cũng nỗ lực thực hiện chương trình phát triển của mình. Trung tâm UDTBKHCN xây dựng định hướng phát triển theo hai mảng lớn là nghiên cứu ứng dụng và tổ chức các hoạt động dịch vụ KHCN. Trong đó, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KHCN, phát triển công nghệ tập trung theo hướng: Kết hợp với các tổ chức KHCN Trung ương lựa chọn công nghệ mới; xây dựng chương trình sản xuất thử nghiệm, ứng dụng kết quả các đề tài, dự án, mô hình KHCN sinh học; nghiên cứu cải tiến, điều chỉnh và ổn định công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Chủ động nghiên cứu thu thập, biên soạn tài liệu phổ biến công nghệ, kỹ thuật cho người dân địa phương… Hoạt động dịch vụ KHCN được tập trung vào các nhiệm vụ: Tạo dựng thị trường KHCN nhằm giới thiệu sản phẩm khoa học do trung tâm và các đơn vị uy tín khác nghiên cứu, sản xuất; tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo tập huấn nghiệp vụ trong các lĩnh vực môi trường, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... Đồng thời, sắp xếp nhân lực, tổ chức đào tạo và đào tạo lại với mục tiêu có tối thiểu 80% cán bộ, viên chức, lao động dài hạn có trình độ từ đại học trở lên; trong đó ưu tiên đào tạo chuyên sâu ở các ngành mũi nhọn như nông nghiệp, công nghệ sinh học, hóa dược… Theo đó, từ khi chuyển đổi đến nay, Trung tâm đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích như sản xuất chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy hải sản, bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào nhằm giữ lại nguồn gen gốc, chủ động giống chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa như khoai tây, chuối tiêu hồng, lan denzo, cau đan sâm, húng Ấn Độ... Hiện tại, Trung tâm đang chủ trì thực hiện nhiều dự án lớn như “Xây dựng mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất rau quả an toàn”; “Hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học trừ rầy nâu hại lúa” và “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại Nam Định”… Đồng thời hỗ trợ nhiều địa phương trong tỉnh phân tích tổng thể điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, nhu cầu thị trường để xây dựng các mô hình ứng dụng KHCN, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế sử dụng hóa chất trong canh tác, bảo vệ môi trường bằng các loại chế phẩm sinh học như xử lý khí thải độc hại trong xưởng sản xuất nhựa, đưa kỹ thuật trồng mạ khay và máy cấy vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất rau an toàn. Toàn bộ những khâu tổ chức tập huấn, phổ biến kỹ thuật cho bà con đến việc trực tiếp xuống đồng hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, cung ứng chế phẩm, thiết bị… đều do Trung tâm tự tổ chức. Việc thực hiện các dự án và mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giúp Trung tâm gây dựng được thương hiệu và là địa chỉ tin cậy cho người dân khi gặp khó khăn trong sản xuất và đưa ra thị trường được một số sản phẩm có tính cạnh tranh cao như nấm, hoa, rau sạch, giống khoai tây, chế phẩm vi sinh, phân bón gốc chức năng… Đến nay, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã tìm đến Trung tâm đề nghị tư vấn, hỗ trợ thực hiện một số kỹ thuật mới như cung ứng giống cây trồng sạch bệnh, lắp đặt hệ thống khử mùi trong sản xuất nhựa, xây dựng vùng canh tác an toàn dịch bệnh...
Trung tâm TH và TTKHCN thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo NĐ 115 với định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là thông tin KHCN; phát triển ứng dụng và tổ chức dịch vụ, tư vấn CNTT. Trong đó tập trung cung ứng các dịch vụ về CNTT; sản xuất và gia công phần mềm; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên nền CNTT; đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Trung tâm đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên và hệ thống trang thiết bị. Đến nay, Trung tâm đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn văn hệ thống thông tin KHCN tại Sở KH và CN với hàng trăm bản ghi, thuộc các lĩnh vực KHCN, các chương trình đề tài, dự án và thư viện điện tử với trên 90 nghìn đề mục thông tin khoa học kỹ thuật. Triển khai thực hiện có hiệu quả dự án “Xây dựng CSDL, khai thác thông tin KHCN, sở hữu trí tuệ phục vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh” và “Ứng dụng CNTT phổ biến thông tin KHCN cho một số xã xây dựng NTM của tỉnh”. Hiện tại, Trung tâm đang xây dựng hệ thống Data Center của tỉnh và tiến tới trở thành Trung tâm dữ liệu mang tầm khu vực đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt ngay sau khi chuyển đổi, Trung tâm đã đạt nhiều thành công trong việc xây dựng phần mềm phục vụ công việc chuyên môn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Từ 2013 đến nay, nhiều phần mềm, hệ thống CSDL hữu ích được ứng dụng vào giải quyết công việc chuyên môn như hệ thống CSDL quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Sở Nội vụ; hệ thống CSDL quản lý hiện trạng công nghệ của Sở Công thương; hệ thống CSDL quản lý đề tài dự án, quản lý sở hữu công nghiệp, quản lý hồ sơ nhân lực, phần mềm hồ sơ lưu trữ của Sở KH và CN; phần mềm hệ thống quản lý giáo sư, tiến sĩ của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Nam Định và phần mềm ISO online của 27 đơn vị trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện nâng cấp hệ thống trang thông tin của Sở KH và CN đạt “Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3” và 4 sở, ngành khác. Phối hợp với Cty Phần mềm NanoSoft (Hà Nội) triển khai lắp đặt thiết bị CNTT và cài đặt phần mềm quản lý bệnh viện cho 8 bệnh viện trên địa bàn... góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng, đưa trình độ và khả năng ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc chuyên môn của tỉnh ta xếp trong tốp đầu của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Nỗ lực chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đã khẳng định vai trò của các tổ chức trong việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bước đầu mở ra thị trường KHCN với những tiện ích cho cả việc quản lý, triển khai các vấn đề liên quan đến lựa chọn, tìm kiếm và chuyển giao công nghệ và các vấn đề liên quan. Tuy nhiên để hoàn thiện việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, các tổ chức KHCN địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tiềm lực về cơ sở vật chất và cả kinh nghiệm quản lý tham gia đấu thầu, thực hiện các nhiệm vụ khoa học có quy mô lớn… Do đó rất cần sự hỗ trợ của ngành chủ quản và của các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức KHCN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành lực lượng sản xuất mới là các doanh nghiệp KHCN với những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương