Ứng dụng công nghệ xử lý khí thải độc hại trong sản xuất nhựa

09:01, 13/01/2015

Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến nhựa trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh ở cả 2 dòng sản phẩm là đồ nhựa gia dụng và nhựa, cao su công nghiệp. Tuy nhiên hầu hết thiết bị, công nghệ ngành nhựa trên địa bàn đều lạc hậu, đầu tư không đồng bộ và chủ yếu tái chế nhựa phế phẩm để sản xuất nên mức độ ô nhiễm môi trường lớn do khí thải phát sinh chứa đựng nhiều khí độc như CO, SO2, Vinylclorua... Đây là các loại khí có cấu trúc phân tử rất bền vững, khi thải ra sẽ gây độc hại cho con người và môi trường. Bên cạnh đó, mới có một số doanh nghiệp sản xuất nhựa công nghiệp như: Cty TNHH Nam Anh, Cty TNHH Mai Thanh (CCN Nghĩa Hưng); Cty TNHH Tân Đạt Thành, Cty TNHH Minh Hồng, Cty TNHH Thảo Long (CCN An Xá)… đầu tư đổi mới công nghệ và có khu sản xuất riêng biệt; các cơ sở sản xuất khác đều nằm xen kẽ trong khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động cũng như dân cư khu vực xung quanh ngày càng gia tăng. Đặc biệt tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực), tình trạng ô nhiễm môi trường do tái chế nhựa để sản xuất hoa, vít nở và các sản phẩm khác đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,15 đến 11,9 lần. Tuy nhiên, việc vận động các cơ sở sản xuất này di chuyển ra khỏi khu dân cư không thể giải quyết trong “ngày một, ngày hai”. Do vậy, để khắc phục giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nhựa, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) đã nghiên cứu thành công mô hình xử lý khí thải độc hại trong sản xuất nhựa bằng công nghệ thu gom, hấp thụ khí thải.

Công nghệ xử lý khí thải độc hại trong xưởng sản xuất nhựa được áp dụng theo nguyên lý thu gom và xử lý khí thải qua quá trình ô-xy hóa, kiềm hóa, trung hòa khí bằng nước vôi để bẻ gẫy các mạch vòng khí độc và hấp thụ khí độc trước khi thải ra môi trường. Trên cơ sở đó, khí thải sau khi được thu gom bằng chụp hút khí được đưa qua thùng điều áp (để làm nguội trung hoà khí), rồi sau đó được đưa sang bể ô-xy hoá (có hỗn hợp chất ô-xy hoá dưới dạng phun mù) để bẻ gẫy mạch bền của mùi. Sau đó khí thải tiếp tục được đưa qua tháp sử dụng than hoạt tính để hấp thụ lần cuối những chất độc hại trước khi thải ra môi trường. Công nghệ này đã đạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ nhất. Tại cơ sở sản xuất, tái chế nhựa của anh Đặng Đình Trung, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), chuyên tái chế bao ni lông để sản xuất nguyên liệu nhựa làm dép, với công suất gần 2 tấn sản phẩm/ngày... Do không đủ khả năng tài chính để lắp đặt thiết bị xử lý khí thải của nước ngoài sản xuất, lại nằm ngay trong khu dân cư nên cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư trầm trọng có nguy cơ phải ngừng sản xuất. Năm 2014, cơ sở được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN chuyển giao công nghệ xử lý khí thải do Trung tâm nghiên cứu với mức chi phí khoảng 10 triệu đồng. Theo đó, tiến hành lắp phễu chụp hút khí tại khu vực xay, nấu hạt nhựa, xây 3 bể xi măng nối tiếp nhau trong xưởng sản xuất. Pha dung dịch KMnO4 0,3% đổ vào bể 1 (bể ô-xy hóa) với mực nước trong bể cao khoảng 30cm; pha dung dịch kiềm Na(OH)2 1%  đổ vào bể  thứ 2 (bể kiềm hóa) mực nước cao 30cm. Bể 3 cho than hoạt tính loại viên to để đảm bảo độ thông thoáng. Để vận hành hệ thống một cách tốt nhất, định kỳ 1 tuần/lần anh Trung đều kiểm tra toàn bộ hệ thống, đảm bảo mọi bộ phận hoạt động theo đúng quy trình kỹ thuật; bổ sung hóa chất, thay dung dịch mới và than hoạt tính, đảm bảo tỷ lệ dung dịch đúng công thức thiết kế. Sau khi áp dụng công nghệ xử lý khí thải độc hại trong xưởng sản xuất nhựa của anh Trung, Trung tâm quan trắc và phân tích TN và MT đã tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá tác động môi trường, kết quả cho thấy: Khí thải đã chuyển từ màu đen xạm sang màu trắng; không còn mùi khét, hôi đặc trưng. Lượng khí CO trong khí thải thấp hơn tiêu chuẩn cho phép 3,5 lần; khí SO2 thấp hơn tiêu chuẩn cho phép 158 lần và gần như không còn chất độc hại Vinylclorua. Công nghệ xử lý khí thải tại xưởng sản xuất nhựa của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN nghiên cứu còn có nhiều ưu điểm so với công nghệ xử lý khí thải bằng phương pháp Gicleur (Pháp) (cho khí thải đi qua than hoạt tính để hấp thụ khí độc hại và tách bụi) như giá thành lắp đặt cho mỗi hệ thống chỉ từ 10-20 triệu đồng (tùy công suất dây chuyền sản xuất) so với hàng tỷ đồng đầu tư công nghệ xử lý khí độc của nước ngoài sản xuất; dễ dàng thay đổi kích cỡ hệ thống theo năng lực thực tế của dây chuyền sản xuất; thiết bị thay thế sẵn có ở thị trường trong nước.

Công nghệ xử lý khí độc trong xưởng sản xuất nhựa của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã được chuyển giao ứng dụng hiệu quả tại nhiều cơ sở khác trên địa bàn Thành phố Nam Định, huyện Nghĩa Hưng, một số hộ sản xuất, tái chế nhựa tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Dương… Nhiều cơ sở sản xuất nhựa tại các tỉnh, thành phố phía Nam như Bình Dương, Bình Phước cũng đã đề nghị hợp tác chuyển giao công nghệ. Hiện tại các cán bộ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đang hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh có nhu cầu, nhân rộng việc áp dụng công nghệ xử lý khí độc ở xưởng sản xuất nhựa để tháo gỡ khó khăn về đảm bảo môi trường cho các doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm hóa chất thích hợp để áp dụng công nghệ này trong xử lý khí thải, nước thải cho các xưởng sản xuất sử dụng dung môi sơn, hóa chất tẩy rửa khác./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com