Phát triển thị trường khoa học công nghệ (KHCN) là một biện pháp kích cầu hoạt động nghiên cứu khoa học hướng tới mục tiêu ngày càng có nhiều sản phẩm KHCN phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động trong điều kiện thị trường KHCN phát triển sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn và ứng dụng các sản phẩm KHCN nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ở tỉnh ta, việc phát triển thị trường KHCN vẫn còn sơ khai, chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) hướng dẫn người dân áp dụng chế phẩm Bio trong xử lý rơm rạ thành phân vi sinh tại xã Lộc Hòa (TP Nam Định). |
Theo báo cáo của Sở Công thương, gần 80% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang sở hữu công nghệ, trang thiết bị lạc hậu từ 3-5 thế hệ so với thế giới, trong khi các doanh nghiệp này không có khả năng tự nghiên cứu đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Trong đó lĩnh vực dệt, may mặc là thế mạnh của tỉnh nhưng chỉ duy nhất có công nghệ nhuộm hoàn tất sản phẩm được đánh giá là sử dụng công nghệ tiên tiến. Ngành sản xuất cơ khí chủ yếu sử dụng thiết bị bán tự động, độ tinh xảo không cao nên doanh nghiệp chỉ có thể làm gia công những sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Quá trình đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn chậm, chưa đáp ứng được kế hoạch đặt ra… Thậm chí một số cơ sở còn tận dụng các thiết bị thanh lý của doanh nghiệp đã hết khấu hao để đưa vào sản xuất… Đây là một hạn chế của hoạt động KHCN của tỉnh song cũng được coi là cơ hội với nhiều lợi thế cho phát triển thị trường KHCN ở tỉnh ta. Trong khi nhu cầu tiêu dùng có nhưng thực tế khả năng "cung" của các đơn vị KHCN trong tỉnh còn khiêm tốn. Bên cạnh đó mối liên hệ thị trường KHCN giữa các đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp hầu như chưa có, hoạt động mua bán công nghệ, giải pháp hữu ích còn quá ít. Trước thực trạng này, để từng bước thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, Sở KH và CN đã khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức làm công tác khoa học, chuyên môn ở các ngành chủ động nghiên cứu các giải pháp hữu ích để hợp lý hóa sản xuất. Lựa chọn nhiệm vụ khoa học gắn với yêu cầu giải quyết những vấn đề khó khăn, thực tế để tập trung nghiên cứu tìm ra những giải pháp hữu ích. Khuyến khích các đơn vị sản xuất... đặt hàng nghiên cứu kết quả nghiên cứu ứng dụng thiết thực với lao động, sản xuất, góp phần tháo gỡ khó khăn về kỹ thuật và công nghệ trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị của công tác nghiên cứu, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà sản xuất với nhà khoa học. Tranh thủ các chương trình, dự án KHCN, Sở KH và CN tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, phiên đấu giá công nghệ và thiết bị có quy mô toàn quốc; tổ chức cung cấp thông tin công nghệ, thiết bị của các nhà nghiên cứu, sáng chế ở trong và ngoài tỉnh cho các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu để lựa chọn đầu tư. Thành lập bộ phận tư vấn, kết nối cho các doanh nghiệp gặp gỡ đối tác, đặt hàng yêu cầu công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Lựa chọn Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, Trung tâm Tin học và thông tin KHCN và 16 tổ chức KHCN tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn khi có yêu cầu. Bằng nhiều biện pháp tích cực, thị trường KHCN của tỉnh đã bước đầu khởi sắc với những sản phẩm được đánh giá chất lượng cao không chỉ trong tỉnh mà cả tỉnh ngoài. Tiêu biểu như: nhóm các sản phẩm phần mềm ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc chuyên môn ở các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý dự án; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản do các kỹ sư tin học của Trung tâm Tin học và thông tin KHCN viết; một số giống cây trồng nhân bản bằng phương pháp nuôi cấy mô; chế phẩm sinh học EM dùng trong bảo vệ môi trường; thuốc bảo vệ thực vật qua lá, qua gốc; thuốc trừ rầy nâu hại lúa. Đặc biệt chế phẩm sinh học kháng rầy nâu do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN sản xuất có ưu điểm số lần sử dụng mỗi vụ ít (tối đa 2 lần/vụ) nhưng kết quả rất tốt, 100% diện tích ứng dụng đã khống chế được rầy nâu; quy trình sử dụng đơn giản và không ảnh hưởng đến sức khỏe người phun, không gây ô nhiễm môi trường, năng suất lúa ổn định. Nông dân tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Vụ Bản đều yêu cầu được cung ứng rộng rãi chế phẩm này trong các vụ tiếp theo. Tuy nhiên đa số các sản phẩm KHCN ở tỉnh ta còn manh mún, chỉ ứng dụng được một khâu trong dây chuyền công nghệ nên khó thuyết phục doanh nghiệp đầu tư đồng bộ. Hơn nữa hầu hết các sản phẩm KHCN hiện nay đều là kết quả của các đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng chuyển giao công nghệ nên có tính ưu đãi cao, khi đưa ra thị trường với giá tự do thì giá không còn tính cạnh tranh nữa, người tiêu dùng khó chấp nhận. Hoạt động môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá và giám định công nghệ chưa hình thành một cách chuyên nghiệp.
Để thúc đẩy thị trường KHCN phát triển, tỉnh ta cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, kích cầu thị trường KHCN. Hỗ trợ phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm KHCN, phát triển tài sản trí tuệ trên cơ sở khuyến khích hoạt động nghiên cứu chuyển hóa, làm thích nghi công nghệ hiện đại nhập của nước ngoài để chuyển giao cho các doanh nghiệp trong nước. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ. Tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, tổ chức KHCN, trường đại học tiến hành trình diễn, giới thiệu sản phẩm KHCN, công nghệ mới tại địa phương giúp các doanh nghiệp lựa chọn công nghệ, giải pháp hữu ích cho đơn vị mình. Nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở mọi lĩnh vực để tìm kiếm những giải pháp mới có giá trị ứng dụng cao./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương