Viễn thám là công nghệ giúp thu thập thông tin về các đối tượng trên bề mặt trái đất thông qua bộ dữ liệu ảnh thu được từ các bộ cảm đặt trên mặt đất, máy bay hoặc vệ tinh. Tích hợp giữa công nghệ viễn thám với hệ thông tin địa lý (GIS) được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu địa chất; quản lý tài nguyên và môi trường; quản lý đô thị và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh ta, công nghệ viễn thám và tích hợp hệ thống thông tin địa lý được Viện Địa Lý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) hỗ trợ ứng dụng trong xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất (SDĐ); đánh giá biến động SDĐ và lớp phủ thực vật.
Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thống kê số liệu mức độ gió tại vườn khí tượng phục vụ công tác điều tra ảnh hưởng biến đổi khí hậu với cây trồng. |
Với mục tiêu đưa ra kết quả nhanh chóng về sự biến động của các loại hình sử dụng đất hiện có, đảm bảo tính đồng nhất cao về không gian và thời gian của các thông tin trên phạm vi lớn, cho phép chỉnh lý, bổ sung các yếu tố thành phần khi có sự thay đổi mà tiết kiệm được thời gian cho việc bảo quản, đo đạc, tra cứu, trích lục, chỉnh lý lại bản đồ so với phương pháp truyền thống trước đây, công nghệ viễn thám tích hợp với GIS nhằm giúp truy nhập tra cứu thông tin chính xác, làm cơ sở khoa học quan trọng trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp. Đây còn là công cụ đắc lực trong việc giám sát quy hoạch, quản lý SDĐ, hiện trạng SDĐ… giúp cho cơ quan chức năng nhanh chóng xác định quỹ đất hiện có của tỉnh để đưa ra những quyết sách về bố trí cơ cấu cây trồng và sử dụng đất canh tác có hiệu quả nhất; sử dụng tài nguyên đất một cách bền vững nhằm phát triển về kinh tế, ổn định về xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Cơ sở tài liệu phục vụ ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong xây dựng bản đồ hiện trạng SDĐ; đánh giá biến động SDĐ và lớp phủ thực vật tỉnh gồm tư liệu ảnh vệ tinh chụp khu vực nghiên cứu trong các năm từ 2003 đến nay; số liệu khảo thực địa tại các vùng địa chất đặc trưng của tỉnh để xây dựng căn cứ cho việc giải đoán hình ảnh thu thập được. Trên cơ sở đó, bản đồ hiện trạng SDĐ được xây dựng bằng tư liệu ảnh viễn thám SPOT 5 và GIS với tỷ lệ 1:25.000. Kết quả đo đạc hiện trạng SDĐ của tỉnh ta được chia thành 16 loại hình gồm: Đất trồng lúa, cây hằng năm, cây lâu năm, rừng phòng hộ, đất mặt nước nuôi trồng thủy sản; đất làm muối, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác, đất ở, đất chuyên dùng... Trong đó diện tích đất phục vụ nông nghiệp lớn nhất, đặc biệt là đất trồng lúa. Diện tích đất chưa sử dụng lớn gồm các khu vực đất mới hình thành, chưa được khai thác, sử dụng ở vùng ven biển, cửa sông và các khu vực đang san lấp để xây dựng các khu dân cư, kinh tế tổng hợp. Trên cơ sở các bản đồ hiện trạng SDĐ đã được xây dựng, sử dụng phương pháp chập bản đồ để phát hiện biến động. Dữ liệu bản đồ được biên tập thành cơ sở dữ liệu GIS, việc tính toán biến động sẽ thực hiện bằng phần mềm ArcGIS. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến, rất tiện dụng cho theo dõi định kỳ. Kết quả nghiên cứu, đánh giá biến động SDĐ và lớp phủ thực vật qua ảnh vệ tinh của tỉnh cho thấy: Diện tích đất trồng lúa và các loại cây hằng năm liên tục giảm. Nếu như năm 2003 là 92.943,08ha, đến năm 2008 còn lại là 92.275,32ha, giảm 667,6ha; đến nay, diện tích đất lúa chỉ còn 92.025,22ha, giảm 250,1ha. Diện tích đất chuyên dùng tăng. Năm 2003, diện tích đất chuyên dùng là 4.520,91ha, đến năm 2008 là 5.071,53ha và đến nay, diện tích đất chuyên dùng là 5.299,65ha. Cùng với việc đánh giá hiện trạng SDĐ, lớp phủ thực vật của tỉnh, các ngành chức năng còn tiến hành ứng dụng sâu rộng công nghệ viễn thám và GIS thành lập bản đồ về các loại hình đất ngập nước khu vực ven biển; khả năng dự đoán sản lượng lúa, kiểm soát tàu đánh cá trên biển, giám sát lũ lụt và thảm họa thiên tai... Hiện tại, Sở KH và CN đang phối hợp với Viện Nông hóa thổ nhưỡng (Bộ NN và PTNT) thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ lực của tỉnh trên nền kết quả điều tra đánh giá biến động SDĐ và lớp phủ thực vật bằng công nghệ viễn thám và tích hợp GIS. Theo đó, đề tài sẽ nghiên cứu chính xác các nhóm đất chính được đo đạc, xác định như đất glây; đất phù sa chua, ít chua; đất xám chua, cơ giới nhẹ…, lý giải mức độ thích nghi của cây trồng với từng loại đất và các yếu tố liên quan như định hướng phát triển kinh tế địa phương, tập quán canh tác, hiệu quả kinh tế; đồng thời đề xuất cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng miền, từng loại đất để phát huy cao nhất giá trị của đất đai và tiềm năng cây trồng.
Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm không ngừng tăng, đặt ra yêu cầu phải quản lý, SDĐ canh tác một cách khoa học, làm cơ sở khai thác và phát huy tài nguyên đất đai hiệu quả để đạt các mục tiêu phát triển nông nghiệp cũng như các mục tiêu CNH-HĐH. Do đó việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý thông tin, dữ liệu đất canh tác để hỗ trợ việc ra các quyết định về sử dụng đất canh tác, quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá là rất cần thiết... Tuy nhiên để tiếp tục ứng dụng sâu rộng công nghệ viễn thám vào sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực khác, các ngành chức năng cần đầu tư thêm trang thiết bị và nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu trong việc xử lý, phân tích và ứng dụng ảnh viễn thám, đặc biệt là ảnh ra-đa. Đồng thời tăng cường cơ chế cung cấp, chia sẻ tư liệu viễn thám giữa các ngành chức năng để tận dụng nguồn ảnh vệ tinh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương