Minh Tân hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

07:10, 16/10/2014
Là xã thuần nông, xã Minh Tân (Vụ Bản) có gần 500ha đất nông nghiệp, người dân lại có trình độ, kinh nghiệm thâm canh cao. Nhằm khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế địa phương, giúp nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, Đảng ủy, UBND xã xác định phải hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Cán bộ HTXDVNN Minh Tân (Vụ Bản) thực hiện quy trình khử lẫn trong sản xuất lúa giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá.
Cán bộ HTXDVNN Minh Tân (Vụ Bản) thực hiện quy trình khử lẫn trong sản xuất lúa giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá.
Từ năm 2011, xã đã tập trung thực hiện DĐĐT gắn với quy hoạch vùng sản xuất và chỉnh trang đồng ruộng; đồng thời đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi năm để làm mới, nâng cấp và duy tu cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn bộ đất nông nghiệp của xã được quy hoạch thành 3 vùng sản xuất ổn định, gồm vùng sản xuất lúa đảm bảo an toàn lương thực; vùng sản xuất lúa chất lượng cao; vùng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Bình quân số thửa ruộng của mỗi hộ sau DĐĐT chỉ còn là 1,61 thửa/hộ; số hộ có 1 thửa chiếm trên 40%. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được củng cố, đảm bảo tưới tiêu đáp ứng yêu cầu đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng sản xuất, đủ khả năng tiếp nhận, thực hiện các thí nghiệm tiến bộ kỹ thuật trên đồng ruộng do các cơ quan nghiên cứu chuyển giao. Xã cử cán bộ có trình độ và kinh nghiệm phụ trách công tác khuyến nông chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật canh tác và cùng với HTXDVNN, các tổ chức hội đảm nhiệm công việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào phục vụ sản xuất; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật và nâng cao trình độ thâm canh cho nông dân. Trên cơ sở đó, người dân được hướng dẫn cụ thể về cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản và thu hoạch nông sản hiệu quả. Đến nay, bộ cơ cấu giống áp dụng trên đồng đất xã Minh Tân được kết hợp hiệu quả giữa các giống lúa chất lượng cao như BT7 kháng bạc lá, BC15 phục vụ tiêu dùng và các giống Tạp giao, Khang Dân… để đảm bảo an ninh lương thực, chăn nuôi. Xã Minh Tân đã hình thành được vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao và là địa chỉ tin cậy của các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp trong việc tổ chức khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới. Trung bình mỗi vụ, xã Minh Tân tổ chức khảo nghiệm 30 giống lúa; cấy trình diễn từ 4-5 giống lúa cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh; Cty Giống cây trồng Miền Nam; các Cty, Trung tâm Giống cây trồng Nam Định, Thái Bình… Nhiều giống lúa mới được đưa vào cấy khảo nghiệm, trình diễn có tính thích ứng cao với điều kiện tự nhiên của tỉnh như Bắc thơm 9, ĐB 18, Nam ưu 1404, 1405. Trong năm 2014, xã cấy khảo nghiệm, trình diễn nhiều giống lúa mới có ưu điểm vượt trội như Thiên Trường 217 của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định chọn tạo; 838 KBL, LH99, Nam ưu 209 của Cty Giống cây trồng Thái Bình và Cty Giống cây trồng Miền Nam… trên tổng diện tích hơn 20ha. Qua các mô hình trình diễn, khảo nghiệm giống lúa mới, ngoài việc được các đơn vị nghiên cứu bảo hộ về năng suất, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, thuốc BVTV thì người nông dân có cơ hội làm quen với phương pháp lao động khoa học; thực hành kỹ thuật một cách bài bản theo đúng quy trình canh tác tiên tiến đối với từng giống lúa, từng điều kiện canh tác, đồng thời góp phần nâng cao trình độ thâm canh của người dân. Chính vì thế, xã Minh Tân còn là địa chỉ tin cậy để các Cty, trung tâm giống trên toàn quốc lựa chọn làm nơi liên kết sản xuất giống lúa cung ứng ra thị trường. Trung bình mỗi năm, nông dân Minh Tân đã sản xuất từ 200-300 tấn thóc giống chất lượng cao như các loại Ải 32, Bắc thơm 7, Bắc thơm 7 kháng bạc lá cho các Cty giống. Nhiều nông dân trở thành những “chuyên gia” trồng lúa giỏi và giàu lên từ nghề trồng lúa giống như ông Nguyễn Đình Chiểu, thôn Chiều; các ông, bà Phạm Thị Bé, Bùi Văn Khoa, Nguyễn Văn Tạo cùng ở thôn Thượng đã sản xuất được gần 2 tấn thóc giống/vụ với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Thu nhập từ sản xuất lúa giống cao hơn so với sản xuất thóc thương phẩm, lại được cung ứng toàn bộ vật tư nông nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo mạ đến chăm bón, thu hoạch… nên người dân yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích canh tác. Hiện tại toàn xã có 61ha chuyên sản xuất giống lúa tập trung ở các thôn Chiều, Tân Lập, Hoàng, Hạ… Trong đó thôn Chiều đã dành hẳn 30ha diện tích ruộng tập trung trên một xứ đồng để sản xuất lúa giống với cơ sở hạ tầng hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ông Nguyễn Đình Chiểu, Phó chủ nhiệm HTXDVNN Minh Tân cho biết: Các quy trình sản xuất lúa giống cũng gần như sản xuất lúa thịt, tuy nhiên cách gieo cấy đòi hỏi phải xen kẽ giữa lúa mẹ và lúa bố, phải biết hướng gió để chọn vị trí cấy lúa bố hợp lý và chú ý chăm sóc trong thời kỳ lúa thụ phấn để tăng khả năng ra phấn và thụ phấn giúp quá trình thụ phấn đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, việc khử lẫn các giống lúa khác được thực hiện thường xuyên trong cả quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa cũng như thu hoạch. Tuy nhiên để sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTXDVNN tập trung hỗ trợ nông dân các khâu dịch vụ và hướng dẫn kỹ thuật thâm canh chi tiết từng ngày, từng tuần để bảo đảm chất lượng hạt giống sau thu hoạch. Đồng thời liên kết chặt chẽ với các Cty trong cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Qua thực tế sản xuất cho thấy, toàn bộ diện tích 61ha gieo cấy lúa giống tại 16 xứ đồng đã cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha, cao hơn 30%  so với gieo cấy lúa thịt trên cùng một diện tích canh tác. Không chỉ có lợi về mặt kinh tế, khi tham gia sản xuất lúa giống, các xã viên còn có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh thực hành các tác phong sản xuất nông nghiệp hiện đại như thực hiện nghiêm ngặt quy trình  kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” hoặc “3 giảm, 3 tăng” để đạt hiệu quả cao nhất… Mô hình liên kết sản xuất lúa giống đang là hướng đi hiệu quả, mang tính bền vững, góp phần giảm nghèo, xây dựng NTM ở Minh Tân. 
 
Nếu được sự hỗ trợ hơn nữa của các cơ quan chức năng về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất hiện đại đáp yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, có cơ chế để người nông dân gắn bó lâu dài với mô hình sản xuất lúa giống chắc chắn sản xuất nông nghiệp ở Minh Tân sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa./.
 
Bài và ảnh:  Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com