Ngày 24/9, Ấn Độ đã đi vào lịch sử ngành hàng không vũ trụ thế giới khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa được tàu vũ trụ vào quỹ đạo Sao Hỏa ngay trong lần tiếp cận đầu tiên.
Trong phát biểu được trực tiếp trên truyền hình từ trụ sở Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) ở bang Bengaluru, miền Nam nước này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố: “Ấn Độ đã đến Sao Hỏa. Ấn Độ là quốc gia duy nhất thành công ngay trong lần tiếp cận đầu tiên”.
Hình ảnh minh hoa đường đi của tàu vũ trụ Mars Orbiter (Đồ họa: Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ) |
Tàu vũ trụ Mars Orbiter của Ấn Độ được phóng ngày 5/11/2013. Dự án này còn được có tên gọi khác là Mangalyaan, được ISRO cùng với một nhóm các nhà khoa học hàng đầu đến từ Mỹ, Nga và châu Âu phát triển. Kinh phí phát triển và vận hành tàu Mars Orbiter khoảng 74 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 100 triệu USD mà Hollywood chi để sản xuất bộ phim khoa học viễn tưởng về đề tài vũ trụ “Gravity” (Trọng lực) hồi năm ngoái.
Nhiệm vụ của Mars Orbiter là vẽ bản đồ bề mặt Hành tinh Đỏ, nghiên cứu bầu khí quyển và tìm kiếm khí methane, chất có liên quan mật thiết đến sự sống trên Trái Đất. Dự kiến, trong vòng 6 tháng, tàu sẽ bay quanh quỹ đạo Sao Hỏa, cách bề mặt hành tinh này khoảng 500 km, thu thập các số liệu khoa học và gửi về Trái Đất.
Trước đó, chỉ có Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu thành công trong việc đưa tàu thăm dò lên Sao Hỏa và Mỹ là nước duy nhất đưa tàu thăm dò đáp xuống bề mặt Sao Hỏa.
Theo chinhphu.vn