Tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

08:09, 22/09/2014
Công đoàn ngành NN và PTNT đang quản lý 36 công đoàn cơ sở và phối hợp chỉ đạo 7 công đoàn cơ sở là các Cty TNHH một thành viên KTCTTL với tổng số gần 4 nghìn lao động, thời gian qua, Công đoàn ngành NN và PTNT đã thường xuyên đẩy mạnh phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” nhằm huy động trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ trong toàn ngành, góp phần đưa những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào hoạt động sản xuất nông thôn.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Giao Thủy kiểm tra chất lượng thuốc tiêm phòng dịch bệnh được bảo quản tại trạm.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Giao Thủy kiểm tra chất lượng thuốc tiêm phòng dịch bệnh được bảo quản tại trạm.
Để phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” phát triển sâu rộng và trở thành nền nếp trong CNVCLĐ, ngay từ đầu năm, công đoàn ngành đã phát động các phong trào thi đua và triển khai tới tất cả các công đoàn cơ sở; tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tích cực tham gia phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và coi đây là tiêu chí xét duyệt thi đua hằng năm. Để phong trào đi vào nền nếp và đạt được chất lượng cao, công đoàn ngành đã phối hợp cùng chuyên môn thành lập Hội đồng khoa học sở, trong đó công đoàn ngành là thành viên tích cực. Theo đó, tháng 8 hằng năm, các cấp công đoàn ngành đôn đốc CNVCLĐ có sáng kiến đăng ký về Hội đồng khoa học cấp cơ sở (đối với những đơn vị lớn), về thủ trưởng đơn vị cơ quan (đối với những đơn vị nhỏ không thành lập Hội đồng khoa học); tháng 11 hằng năm, đôn đốc CNVCLĐ và Hội đồng khoa học cơ sở hoàn thiện giải pháp, sáng kiến gửi về Hội đồng khoa học các cấp. Hưởng ứng Hội thi Khoa học Kỹ thuật tỉnh, ngoài việc động viên cán bộ, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng tham gia, công đoàn ngành phối hợp với Hội đồng khoa học sở mời cán bộ chuyên môn của Sở KH và CN đến từng công đoàn cơ sở hướng dẫn CNVCLĐ viết giải pháp. Bên cạnh đó, công đoàn ngành còn kịp thời động viên khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo động lực để CNVCLĐ tích cực hưởng ứng. Nhờ vậy, nhiều năm liền, Công đoàn ngành NN và PTNT là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Hằng năm, trung bình công đoàn ngành có hơn 100 sáng kiến cấp cơ sở, 5 đến 6 sáng kiến cấp tỉnh; vừa qua có 2 đồng chí được LĐLĐ tỉnh trao giải thưởng Nguyễn Đức Thuận, 6 đồng chí được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng “Lao động sáng tạo”. Những công đoàn cơ sở tích cực tham gia phong trào như Công đoàn Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Công đoàn Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Công đoàn Chi cục Thú ý. Tiêu biểu như đề tài nghiên cứu “Quản lý đàn vật nuôi và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương” của đồng chí Phạm Văn Khoa, đoàn viên tổ Công đoàn Trạm Thú y huyện Giao Thủy (Công đoàn Chi cục Thú y). Nhận thấy những năm gần đây do biến đổi khí hậu, công tác quản lý, theo dõi, giám sát đàn vật nuôi chưa tốt nên tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi. Qua quá trình công tác tại địa phương, đồng chí Khoa đã nghiên cứu đề tài nhằm giúp các cán bộ thú y xã, trạm thú y huyện thực hiện tốt chức năng quản lý, góp phần nâng cao chất lượng chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm tại địa bàn. Đề tài nghiên cứu này được Sở KH và CN xét sáng kiến cấp tỉnh năm 2013. Hay đề tài “Cải tiến hệ thống ngăn chặn động vật có hại, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai đối với các cơ sở nuôi tôm theo phương pháp thâm canh” của đồng chí Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản và ông Cao Văn Ba, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Giao Phong 1 (Giao Thủy). Trước đây, người nuôi trồng thủy, hải sản thường sử dụng lưới cước, cọc tre để làm hệ thống ngăn chặn động vật có hại; thời gian sử dụng từ 3 đến 6 tháng; cách làm này mất nhiều thời gian kiểm tra, tu sửa và làm mới theo từng vụ lại không ngăn chặn được động vật lớn như chó, mèo, nước mưa và các chất độc hại trên bờ ao tác động vào ao tôm, khả năng ngăn ngừa lây nhiễm chéo dịch bệnh cho ao thấp; khi có bão lớn, hệ thống này không ngăn chặn được sóng làm sạt lở ao, không điều tiết được mực nước ao tôm. Sau khi cải tiến, hệ thống được xây bằng gạch hoặc đổ bê tông; thời gian sử dụng lâu dài, giảm chi phí nguyên vật liệu, công lao động tu sửa, đồng thời dễ dàng trong công tác vệ sinh phòng bệnh; ngăn chặn triệt để động vật gây hại, nước mưa, bùn cát ở bờ ao chảy vào góp phần nâng cao hiệu quả ao nuôi. Tôm nuôi không phải sử dụng nhiều vôi, khoáng chất chế phẩm sinh học rải trên bờ ao, xử lý độ đục của ao do bùn cát chảy xuống và giảm chi phí tăng cường chạy máy quạt nước cho ao nuôi tôm khi trời mưa bão, giảm thiểu sự lây nhiễm chéo dịch bệnh giữa các ao nuôi. Hệ thống ít bị phá hủy do mưa, bão; ngăn chặn sự thất thoát của lượng tôm nuôi, mật độ nuôi cao hơn. Hiện nay, cải tiến này đã phát huy hiệu quả, được áp dụng ở phần lớn các vùng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
 
Phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất trong CNVCLĐ ngành NN và PTNT đã đem lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Dung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com