Các nhà khoa học Singapore vừa phát hiện gene gây u vú thông thường ở phụ nữ, qua đó có thể giúp các bác sĩ phân biệt được u lành với u gây ung thư.
Trong một công trình nghiên cứu mới công bố, một nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư quốc gia Singapore đã phát hiện một loại gene có tên gọi MED12, xuất hiện phổ biến ở các khối u vú lành (còn gọi là fibroadenoma) thường gặp nhất ở phụ nữ.
Nghiên cứu cho thấy MED12 có mặt trong gần 60% các khối u vú lành, do đó việc kiểm tra loại gene này có thể giúp phân biệt u lành với u gây ung thư.
Bước chẩn đoán này vốn được coi là thách thức cho các bác sĩ lâm sàng, bởi ngay cả đối với những bệnh nhân đã trải qua xét nghiệm sinh thiết, lượng mô vú thu được cũng không đủ để thể hiện tình trạng của toàn bộ khối u.
Mặt khác, tuy không gây bệnh tật, song những u lành có kích cỡ lớn vẫn cần được loại bỏ thông qua phẫu thuật. Giáo sư Tan Puay Hoon, Trưởng khoa Bệnh lý học thuộc Bệnh viện Đa khoa Singapore cho rằng việc bổ sung thao tác kiểm tra gene MED12 trong chẩn đoán u vú có thể giảm khả năng phải phẫu thuật cũng như chi phí điều trị nội trú, thậm chí có thể không cần tới các biện pháp chẩn đoán khác, giúp giải tỏa tâm lý lo lắng của bệnh nhân.
Theo chinhphu.vn