Vụ Bản nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh các giống lúa mới

08:08, 06/08/2014

Những năm gần đây, sản xuất lúa của huyện Vụ Bản gặp nhiều khó khăn do cơ cấu giống lúa chưa đa dạng, việc áp dụng các biện pháp canh tác chưa đồng bộ và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế không cao. Sản phẩm phụ như rơm, rạ sau thu hoạch chưa được sử dụng hợp lý nên vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng tới môi trường. Để giải quyết những khó khăn trên, Trạm Khuyến nông huyện đã tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc các giống lúa chất lượng cao và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa trên địa bàn.

Kiểm tra chất lượng giống lúa DT68 tại xã Tân Khánh.
Kiểm tra chất lượng giống lúa DT68 tại xã Tân Khánh.

Được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu ứng dụng một số tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất lúa tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định". Trong đó tập trung nghiên cứu khảo nghiệm, so sánh, tuyển chọn một số giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng khá và ít nhiễm sâu bệnh để bổ sung vào bộ giống của huyện và thay thế những giống lúa đã suy thoái. Trên cơ sở đó, Trạm Khuyến nông huyện đã  chọn một số giống tiềm năng như: QR1, TBR 27, TBR 255, DT68, Thiên Trường 750, Trân Châu hương để khảo nghiệm và đối chứng với giống BT7. Hai xã Liên Minh và Tân Khánh có tiểu vùng khí hậu đặc trưng của huyện được chọn làm điểm thực hiện các thí nghiệm. Qua 4 vụ cấy khảo nghiệm, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã nghiên cứu lựa chọn được giống DT68 và giống Trân Châu hương là 2 giống có năng suất cao và chất lượng gạo tốt để đưa vào cơ cấu giống của huyện. Trong đó, giống DT68 là giống cảm ôn, gieo cấy được ở cả 2 vụ trong năm, có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu sâu bệnh tốt, sinh trưởng khỏe, dạng hình gọn, cây cứng, lá đòng đứng, năng suất cao. Hạt gạo trong, thuôn dài, cơm mềm, dẻo, thơm thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Từ 2 giống lúa trên, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành các thí nghiệm áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật bổ trợ (các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, yếu tố cấu thành năng suất, khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh) làm cơ sở xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác của giống lúa trên quy mô toàn huyện. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm: Nghiên cứu ảnh hưởng của các phương pháp gieo sạ đến sinh trưởng, năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa; nghiên cứu so sánh, đánh giá mức độ tăng sức chống chịu của cây lúa khi sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh khác nhau để thay thế phân chuồng; nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng đạm đến năng suất lúa khi sử dụng chế phẩm phân hữu cơ được xử lý từ rơm, rạ thay thế phân chuồng trên giống lúa DT68. Cụ thể, giống DT68 được thí nghiệm gieo bằng 4 công thức gồm: Gieo sạ 6 trống; gieo sạ 5 trống; gieo bằng phương pháp rắc tay và gieo cấy. Cũng với cách thí nghiệm lựa chọn này, nhóm nghiên cứu thực hiện 5 công thức bón phân cho lúa gồm: 850kg phân khoáng hữu cơ vi sinh VEDAGRO/ha; 10 tấn phân hữu cơ chế phẩm được xử lý từ rơm rạ/ha; 850kg phân hữu cơ Komic/ha; 850kg phân hữu cơ Sông Gianh/ha và đối chứng với công thức phổ biến là không bón phân hữu cơ và sử dụng 220kg urê + 560kg super lân + 140kg kaliclorua/ha. Đồng thời nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng đạm đến năng suất lúa khi sử dụng chế phẩm phân hữu cơ được xử lý từ rơm, rạ thay thế phân chuồng. Kết quả tổng hợp qua 2 năm thí nghiệm cho thấy, phương pháp gieo sạ 5 trống, kết hợp với công thức bón phân hữu cơ chế phẩm được xử lý từ rơm rạ, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhất, ít bị nhiễm sâu bệnh, khả năng chống chịu cao, cho năng suất tối đa... với các chỉ số kỹ thuật như: số nhánh tối đa bình quân là 8,3 dảnh/khóm, số nhánh hữu hiệu 6,3 dảnh/khóm, số hạt chắc/bông 121,3 hạt/bông, tỷ lệ lép là 12,3%, năng suất thực thu là 48,12 tạ/ha. Chất lượng gạo thơm, ngon tương đương với giống BT7. Đây là tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đồng bộ từ khâu chọn lọc giống, xây dựng quy trình thâm canh, kỹ thuật canh tác đầu tiên được nghiên cứu bài bản, có khả năng thích ứng cao đối với cây lúa trên địa bàn huyện. Đồng chí Trần Thị Thu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Vụ Bản, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Mong muốn nghiên cứu tìm ra những giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân địa phương góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đa dạng hóa bộ giống đã được tập thể cán bộ Trạm Khuyến nông huyện trăn trở từ nhiều năm nay. Được sự hỗ trợ tích cực của Sở KH và CN, sau 2 năm thực hiện, đến nay chúng tôi đã lựa chọn giống DT68 và Trân Châu hương để đưa vào cơ cấu giống của huyện. Đồng thời nghiên cứu xây dựng quy trình thâm canh chuẩn từ thời vụ, phương pháp gieo cấy, biện pháp kỹ thuật và công thức bón phân để 2 giống lúa DT68, Trân Châu hương phát huy tối đa tiềm năng năng suất vốn có, góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa của huyện. Hiện tại, Trạm Khuyến nông huyện đang hoàn thiện thủ tục đề nghị bổ sung giống DT68, Trân Châu hương vào cơ cấu giống của huyện Vụ Bản và của tỉnh. Hai giống lúa này có thể cấy ở trà xuân muộn, mùa sớm, mùa trung trên diện tích chân đất vàn, vàn cao.

Thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn tổng hợp các biện pháp kỹ thuật thâm canh giống DT68 tại một số xã trên địa bàn và tổ chức hội thảo, hội nghị đầu bờ để phổ biến quy trình canh tác, tạo điều kiện cho bà con nông dân tham khảo, học tập và đưa nhanh 2 giống lúa này vào thực tế sản xuất. Đồng thời qua thực hiện đề tài nghiên cứu, cũng khẳng định hiệu quả của việc sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm xử lý từ rơm, rạ và phân bón đa dinh dưỡng để thâm canh giống lúa DT68 nói riêng và trong toàn bộ quá trình canh tác các loại cây trồng nói chung để đáp ứng mục tiêu tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



Thuê máy chủ ảo hiệu năng cao GPU Phần mềm lương Mua Laptop Dell XPS tại Nhật Minh Laptop iphone 15 lắp mạng viettel Dịch vụ mua VPS InterData chất lượng cao

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com