Phát triển công nghệ là một giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Để hỗ trợ doanh nghiệp Trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghệ như: Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ cao; đặt hàng doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng kết quả từ các đề tài, dự án khoa học để tạo ra những sản phẩm mới phục vụ nhu cầu đời sống xã hội; khuyến khích doanh nghiệp trích doanh thu, lợi nhuận hằng năm để đầu tư, thành lập quỹ phát triển KHCN. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ; tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tích cực đầu tư cho KHCN; tập trung nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; xây dựng quy hoạch phát triển công nghệ để định hướng cho các doanh nghiệp phát triển và có kế hoạch hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm.
Nhà máy Sợi Nam Định (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đầu tư dây chuyền sản xuất sợi tự động, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Với sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển KHCN và đã đạt được những kết quả tích cực. Tiêu biểu như Cty TNHH Thanh Đạm (Giao Thủy) được hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất muối từ nguồn kinh phí phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi; sản xuất sản phẩm muối tinh của Cty TNHH Thanh Đạm đã đạt tiêu chuẩn ngành TCN 402-99, đạt và vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế của Codex. Cty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi (TP Nam Định) với dự án "Hoàn thiện công nghệ đúc bằng mẫu tự tiêu để sản xuất phụ tùng chế tạo bằng thép đúc, gang đúc thay thế sản phẩm nhập ngoại"; Cty CP Vân Cầu được hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất gạch không nung hai lỗ song động; Cty TNHH JODO được hỗ trợ trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm sen vòi tắm... Năm 2014, Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) được UBND tỉnh quyết định giao thực hiện Đề án “Hỗ trợ nâng cao năng lực chọn tạo, sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa giống tại Cty TNHH Cường Tân”. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng tranh thủ được chủ trương khuyến khích của tỉnh để đổi mới công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện nay trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu tới 3-5 thế hệ so với thế giới trong khi năng lực nghiên cứu đổi mới công nghệ lại hạn chế. Hiện tại, tỷ lệ máy móc thiết bị sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu trong các doanh nghiệp còn gần 80%. Mặc dù là ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh nhưng lĩnh vực dệt, may mặc của tỉnh vẫn còn lạc hậu, chỉ có công nghệ nhuộm hoàn tất sản phẩm được đánh giá là tiên tiến. Ngành sản xuất cơ khí chủ yếu là thiết bị bán tự động, trang thiết bị và hệ số thời gian sử dụng ở mức thấp; độ tinh xảo của thiết bị không cao nên chủ yếu vẫn cho “ra lò” những sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Lĩnh vực hóa dược được đánh giá đạt mức trung bình của cả nước; hầu hết các dây chuyền sản xuất được tự động hóa cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Đặc biệt các dây chuyền sản xuất thuốc tân dược đều đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP và HACCP. Với ngành công nghiệp vật liệu xây dựng quá trình đổi mới công nghệ vẫn chậm, chưa đáp ứng được kế hoạch đặt ra… Các doanh nghiệp dệt ở các làng nghề truyền thống tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu vẫn chậm đổi mới công nghệ, thiết bị mới chỉ thêm phần động cơ thay cho sức người mà không có cơ cấu tự động hãm ngang, hãm dọc, hệ số đảm nhiệm thiết bị thấp, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, chỉ đáp ứng tiêu chuẩn gia công sản phẩm. Thậm chí một số cơ sở còn tận dụng các thiết bị của doanh nghiệp thanh lý đã hết khấu hao để đưa vào sản xuất… Tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lãng phí năng lượng, tăng chi phí đầu tư mà sản phẩm vẫn không có tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực con người và vốn yếu nên “lực bất tòng tâm”, không đủ khả năng đầu tư đổi mới công nghệ. Kinh phí dành cho hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ của tỉnh còn thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động đổi mới công nghệ nên không chủ động trích lập quỹ phát triển KHCN để tạo nguồn vốn quỹ đầu tư cho công tác đổi mới công nghệ và nghiên cứu ứng dụng cải tiến công nghệ.
Tại Hội thảo KHCN phục vụ phát triển doanh nghiệp địa phương do Sở KH và CN tổ chức tháng 4-2014, các ngành Công thương, KH và CN đã thống nhất xác định đầu tư đổi mới công nghệ chủ yếu bằng cách chuyển giao công nghệ kết hợp với phát triển nghiên cứu, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, từng bước giúp các doanh nghiệp và người lao động nâng cao năng lực, trình độ để chủ động tiếp thu, nắm vững và làm chủ công nghệ. Tăng cường phối hợp hoạt động KHCN giữa các tổ chức tư vấn KHCN và các cơ sở sản xuất để lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất và nhu cầu thị trường. Khuyến khích xây dựng quỹ phát triển KHCN và các tổ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Có chiến lược hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh về KHCN, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với những chính sách ưu đãi đổi mới công nghệ; quảng bá sản phẩm có hàm lượng công nghệ. Tranh thủ mọi điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia. Thúc đẩy thị trường KHCN phát triển tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong hoạt động KHCN./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương