Sản xuất thành công chế phẩm sinh học trừ rầy nâu hại lúa

07:08, 21/08/2014

Rầy nâu là loài dịch hại nguy hiểm nhất đối với lúa, có tốc độ sinh trưởng nhanh và thời gian gây hại dài. Ngoài việc hút dịch nhựa gây hại lúa, rầy nâu còn là vật môi giới truyền các loại vi-rút gây bệnh trên lúa như vàng lùn, lùn xoắn lá... Vụ mùa năm 2009, dịch vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu gây hại đã lây truyền tại hầu hết diện tích lúa ở cả 10 huyện, thành phố. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, đã có hơn 15 nghìn ha lúa bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 6.700ha không cho thu hoạch, thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân. Việc phòng trừ rầy nâu hết sức khó khăn do rầy nâu có phản ứng kháng, nhiễm với các giống lúa kháng rầy, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và nhanh chóng hình thành các nòi sinh học với khả năng chống chịu và thích nghi cao, như có thể tăng khả năng sinh sản và sống sót của rầy nâu khi tiếp xúc với một số loại thuốc có hàm lượng protein, axit amino và sucrose. Đặc biệt trong điều kiện môi trường sống thuận lợi, rầy không cánh xuất hiện với tỷ lệ cao, khi gặp điều kiện bất lợi, xuất hiện rầy có cánh tỷ lệ lớn và chúng có thể phát tán sang những vùng khác và tiếp tục gây hại. Việc sử dụng thuốc hóa học để trừ rầy nâu cũng như các loại dịch hại có thể gây ô nhiễm môi trường sinh thái, sâu bệnh kháng thuốc… Để giúp nông dân giải quyết khó khăn này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) đã phối hợp với Viện BVTV (Bộ NN và PTNT) nghiên cứu thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất, ứng dụng chế phẩm sinh học trừ rầy nâu hại lúa tại Nam Định” nhằm nâng cao hiệu lực chế phẩm; hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học trừ rầy nâu quy mô lớn và đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực tổ chức sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) kiểm tra giống chế phẩm trừ rầy nâu hại lúa.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) kiểm tra giống chế phẩm trừ rầy nâu hại lúa.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất chế phẩm sinh học, khu nuôi cấy mô tế bào thực vật, phòng thí nghiệm và các trang thiết bị như: tủ cấy vô trùng, tủ sấy, tủ lạnh bảo quản hóa chất, máy cất nước... Đồng thời cử cán bộ đi học chuyên sâu về công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học trừ rầy nâu tại Viện BVTV. Công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học trừ rầy nâu được áp dụng dựa trên kết quả nghiên cứu cơ chế tác động của bào tử nấm Lục Cương và Bạch Cương đối với các loại côn trùng gây hại lúa và rau màu. Theo đó, hai chủng nấm Lục Cương và Bạch Cương khi gặp cơ thể côn trùng sau 24 giờ sẽ nảy mầm mọc thành sợi nấm xuyên qua vỏ kitin và phát triển thành các nhánh chằng chịt trong cơ thể côn trùng. Trong quá trình phát triển, nấm tiết ra các độc tố làm tiêu hao các tế bào bạch huyết và làm côn trùng chết. Khi chết trên cơ thể côn trùng cứng lại, phủ kín lớp phấn trắng hoặc xanh và tiếp tục phát tán các bào tử nấm trong không khí và trở thành nguồn bệnh cho các lứa côn trùng tiếp theo. Viện BVTV đã hỗ trợ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN nghiên cứu thực địa, xác định chủng nấm giống gốc phù hợp với điều kiện tự nhiên để đưa vào sản xuất giống cấp 1 trong ống nghiệm và giống cấp 2 trên môi trường gạo đã luộc, sấy khô và khử trùng đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn chất lượng. Sau đó tiếp tục nhân sinh khối trong môi trường gạo và nuôi cấy thành bào tử. Sấy khô sinh khối đạt tỷ lệ độ ẩm còn 8%; đồng thời tiến hành tách chiết, thu bào tử tinh dưới dạng bột. Đây chính là chế phẩm dùng kháng rầy phục vụ sản xuất. Ngay sau khi sản xuất thành công chế phẩm, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã hoàn thiện quy trình sản xuất, quy trình sử dụng chế phẩm và chuẩn bị 3 tấn chế phẩm để triển khai ứng dụng, tiến hành xây dựng 3 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trừ rầy nâu tại xã Đại Thắng (Vụ Bản); xã Xuân Vinh (Xuân Trường) và xã Hải Toàn (Hải Hậu) trên tổng diện tích 17ha. Các mô hình thí nghiệm được xây dựng 3 phần rõ rệt gồm: diện tích ứng dụng chế phẩm; diện tích đối chứng không sử dụng chế phẩm và diện tích đối chứng có sử dụng các hóa chất BVTV theo truyền thống canh tác của người dân địa phương để người dân dễ đối chiếu, so sánh. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia mô hình về hiệu quả, cách sử dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng chế phẩm. Trên cơ sở đó, chế phẩm kháng rầy phun cho lúa vào lúc chiều mát với lượng là 250 gram/sào, chia thành 2-4 lần/vụ. Khi sử dụng, chế phẩm kháng rầy được cho vào xô, bổ sung chất bám dính (dung dịch nước rửa bát khoảng 3-5ml) và 7-10 lít nước sạch, sau đó khuấy kỹ để lượng bào tử được giải phóng, tan đều trong nước. Dùng vải thưa để lọc lấy dịch phun, thêm 13-15 lít nước để phun cho 1 sào lúa. Phun ướt đều mặt lá sao cho dịch phun có thể tiếp xúc với sâu hại hoặc vị trí sâu thường gây hại nhiều nhất. Có thể phun chế phẩm kết hợp với thuốc trừ sâu, tuyệt đối không được phun cùng thuốc trừ bệnh. Nếu trên ruộng đã phun thuốc trừ bệnh thì phải đảm bảo thời gian cách ly mới được phun chế phẩm. Đối với rầy nâu trên đồng ruộng thường phát sinh 4 lứa/vụ. Sử dụng chế phẩm nấm có ích phun trừ rầy vào đầu lứa 2 và lứa 4 là thời điểm rầy có khả năng gây hại cao nhất cho lúa. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện rầy con mới nở (rầy cám) phải tiến hành phun ngay để nâng cao hiệu quả chế phẩm. Với cách làm này, ngay trong vụ xuân 2014, chế phẩm kháng rầy đã mang lại kết quả cao. Ở cả 3 mô hình, người dân chỉ phun chế phẩm tối đa 2 lần/vụ; tỷ lệ kháng rầy đạt 100% trên toàn bộ diện tích thí nghiệm, trong khi diện tích đối chứng và diện tích sử dụng phương pháp kháng rầy của địa phương bị nhiễm rầy từ 20-30%. Thành công bước đầu trong việc khống chế rầy nâu của chế phẩm sinh học do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN sản xuất với giá thành rẻ, quy trình sử dụng đơn giản, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trực tiếp và ô nhiễm môi trường đã tạo được niềm tin đối với bà con nông dân, mở ra hướng phát triển mới, đưa nhanh chế phẩm sinh học thay thế thuốc BVTV vào sản xuất. Đồng chí Phạm Văn Duyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết: Sau vụ đầu được sử dụng chế phẩm kháng rầy do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN cung cấp và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, hiệu quả phòng trừ thể hiện rõ rệt so với những diện tích khác, không sử dụng hoặc trừ rầy bằng các loại thuốc hóa học người dân đã yên tâm khi sử dụng chế phẩm. Địa phương mong tiếp tục được hỗ trợ mở rộng diện tích ứng dụng chế phẩm trong các vụ sau để khắc phục triệt để hiện tượng rầy nâu hại lúa gây tổn thất cho sản xuất.

Từ thành công bước đầu, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đang tiếp tục mở rộng mô hình ứng dụng ở một số vùng sinh thái khác trên địa bàn; tổ chức tập huấn kiến thức cho bà con nông dân, hoàn thiện thiết bị sản xuất và quy trình công nghệ bảo đảm đủ điều kiện sản xuất chế phẩm sinh học trừ rầy nâu với công suất 1 tấn/mẻ với mật độ bào tử 108/gram, hiệu lực phòng trừ rầy nâu trên 75%. Đồng thời tiến hành các bước công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy trình công nghệ, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm và nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường tới tay người tiêu dùng, góp phần khắc phục khó khăn trong phòng, chống rầy nâu bảo vệ sản xuất./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com