Dự án xây dựng kính viễn vọng lớn nhất thế giới (E-ELT) ở Chile đã chính thức được khởi công sau nhiều năm trì hoãn.
Tổ chức nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại bán cầu Nam (ESO) cho biết, bước đầu tiên trong dự án này là di dời 5.000 m3 đất đá khỏi đỉnh núi Armazones. Ngọn núi này nằm ở sa mạc Atacama thuộc miền Bắc Chile. Với độ cao trên 3.000m, đỉnh núi Armazones sẽ là nơi lý tưởng đặt "con mắt quan sát lớn nhất thế giới". Dự kiến, toàn bộ quá trình xây dựng và lắp đặt kính viễn vọng E-ELT sẽ kết thúc vào năm 2024 và chính thức đi vào hoạt động hai năm sau đó, muộn hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Kính viễn vọng cực kỳ lớn trong tương lai của châu Âu (E-ELT) sẽ được nằm trên đỉnh Cerro Armazones của Chile. (Ảnh: phys.org) |
Với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, E-ELT được ESO chế tạo nhằm mục đích giúp các nhà thiên văn học quan sát rõ hơn sự phát triển của vũ trụ cũng như tìm kiếm những hành tinh có thể tồn tại sự sống như trên Trái đất. Sở hữu đường kính 39 m, được cấu thành từ khoảng 1.000 thấu kính hình lục giác, kích thước 1,45 m mỗi miếng, E-ELT có bề mặt thu sáng lớn gấp 10-15 lần so với các kính viễn vọng hiện nay.
Là nơi bầu trời luôn trong vắt suốt hơn 300 đêm mỗi năm, độ ẩm cực thấp và hầu như không bao giờ bị bão, sa mạc Atacama của Chile được ESO bầu chọn là nơi lý tưởng nhất trên thế giới để quan sát thiên văn. Chile cũng là quốc gia có nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất thế giới với 5 trạm đang được các tổ chức của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Brazil vận hành.
ESO là tổ chức nghiên cứu thiên văn học, được thành lập năm 1962 với sự tham gia của 15 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Anh, Hà Lan và Italia. Tổ chức này chịu trách nhiệm vận hành một loạt kính viễn vọng của thế giới đặt tại Chile, trong đó có chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới tính đến hiện tại là ALMA.
Theo chinhphu.vn