Trên địa bàn tỉnh hiện có 49 đơn vị, cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ; trong đó có 39 đơn vị y tế sử dụng 61 thiết bị X-quang, 10 cơ sở kinh doanh chế tác vàng bạc sử dụng nguồn phóng xạ kín qua máy huỳnh quang phổ kế để xác định hàm lượng vàng. Việc sử dụng các thiết bị bức xạ giúp chẩn đoán chính xác hầu hết các loại bệnh tật trên cơ thể người thông qua hình ảnh X-quang và xác định chính xác hàm lượng vàng phục vụ giao dịch thương mại, quá trình sản xuất công nghiệp và nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, quá trình các thiết bị bức xạ này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến người vận hành thiết bị cũng như môi trường nếu người sử dụng, quản lý thiết bị bức xạ thiếu kiến thức về an toàn bức xạ (ATBX) và không tuân thủ triệt để các quy định bảo đảm an toàn.
Điều khiển thiết bị chụp cắt lớp tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu. |
Ở các cơ sở có trang bị, sử dụng thiết bị này vẫn có hiện tượng người vận hành thiết bị thì sử dụng bảo hộ đầy đủ nhưng những người đứng gần khu vực thì không có bảo hộ và cũng không hiểu biết về nguy hiểm để phòng tránh. Đáng chú ý ở một số phòng chụp X-quang của cơ sở y tế, nhiều người nhà bệnh nhân ngồi chờ ngay trước cửa phòng khi thiết bị hoạt động và cửa phòng không đóng kín… Trước thực tế đó, Sở KH và CN đã tiến hành kiểm tra đánh giá hiện trạng hoạt động của các cơ sở sử dụng nguồn bức xạ, thiết bị X-quang trên địa bàn để tăng cường quản lý, làm cơ sở để tham mưu cho UBND tỉnh định hướng đầu tư, khai thác nguồn bức xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng kiểm soát và ATBX cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên bức xạ, người phụ trách thiết bị X-quang y tế, nguồn phóng xạ. Hỗ trợ các tập thể, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ tiếp cận với các văn bản pháp luật và quy định của Nhà nước có liên quan. Sở phối hợp với Cục Kiểm soát ATBX và hạt nhân (Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân) tổ chức đào tạo, cấp chứng nhận cho nhân viên bức xạ và hướng dẫn các đơn vị xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố phóng xạ… Đến nay, 100% cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ trên địa bàn được cấp phép; 100% nhân viên bức xạ có chứng nhận ATBX và người quản lý, phụ trách thiết bị có đủ kiến thức, thực hiện đúng quy trình quản lý bức xạ đối với thiết bị và nhân viên bức xạ. Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cùng với việc tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về ATBX, Sở KH và CN chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hoạt động sai nguyên tắc, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật về ATBX, hạt nhân. Trong tháng 4 và 5-2014, Thanh tra Sở KH và CN đã tiến hành thanh tra chuyên đề việc chấp hành Luật Năng lượng nguyên tử tại 25 cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ trong sản xuất, kinh doanh. Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ. Trong đó có 1 đơn vị vi phạm quy định về khai báo, cấp phép thiết bị bức xạ; 9 đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATBX; 18 đơn vị không thực hiện đánh giá liều chiếu xạ cá nhân liên tục 3 tháng/lần; 10 đơn vị không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên theo thời hạn 6 tháng/lần; 1 đơn vị không trang bị thiết bị bảo hộ (áo chì) cho nhân viên bức xạ; 13 đơn vị không xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố phóng xạ; 2 đơn vị có phòng chụp không đảm bảo yêu cầu ATBX… Cá biệt có nhiều đơn vị mắc 2-3 lỗi vi phạm cùng lúc như Phòng khám Đa khoa 108, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định (TP Nam Định); Bệnh viện Đa khoa Giao Thủy (Giao Thủy); Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Phòng khám Đa khoa Hà Nội - Xuân Trường (Xuân Trường); cửa hàng vàng bạc Đức Hiền, Thị trấn Cồn (Hải Hậu)… Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 6 đơn vị; đồng thời hướng dẫn biện pháp khắc phục và thời hạn sửa sai trước khi tiến hành hậu kiểm.
Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo ATBX tại các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ, Sở KH và CN còn tiến hành điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá các mối nguy hiểm từ các hoạt động sử dụng các nguồn bức xạ trên địa bàn tỉnh; khảo sát và thu thập thông tin cơ bản phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố; lập bản đồ phóng xạ và mẫu môi trường; xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống, khắc phục sự cố nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh… Chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, dữ liệu phóng xạ đáp ứng yêu cầu xây dựng trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đây là cơ hội để tỉnh ta nâng cao năng lực quan trắc và kết nối liên tục, cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường tới Trạm vùng và Trung tâm điều hành quốc gia, đảm bảo kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Tuy vậy, việc quản lý an toàn nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tính tự giác của người sử dụng, quản lý thiết bị bức xạ chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên; một số đơn vị, cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong việc kiểm soát thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ cố định và di chuyển, vận hành tạm thời trên địa bàn phục vụ sản xuất công nghiệp, đo độ ẩm, độ chặt công trình xây dựng, giao thông nhưng không khai báo với cơ quan chức năng địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát nguồn phóng xạ lẫn trong môi trường và tại các cơ sở thu mua, gia công, chế biến phế liệu còn khó khăn do chưa có thiết bị chuyên dụng dò tìm nguồn phóng xạ trong khi số đông người dân không có kiến thức, kỹ năng nhận biết nguồn, xử lý ban đầu khi phát hiện nguồn phóng xạ trong môi trường. Đây là nguy cơ tiềm ẩn rò rỉ phóng xạ lớn ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống của cả cộng đồng.
Để tạo bước chuyển biến về nhận thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATBX, bảo đảm khả năng kiểm soát tình hình sử dụng các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân và môi trường trong điều kiện nhu cầu ứng dụng bức xạ, hạt nhân ngày càng lớn, thời gian tới Sở KH và CN tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc phát hiện, sử dụng và ứng phó với sự cố phóng xạ. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ việc khai báo và các điều kiện vận hành thiết bị cũng như đảm bảo sức khỏe cho nhân viên bức xạ, cộng đồng xung quanh. Tăng cường đầu tư trang, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATBX và nguồn phóng xạ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương