Loài sóc bay khổng lồ, tắc kè bay, cá giao phối bằng đầu và loài nhện không mắt… là những loài sinh vật đặc biệt trong 367 loài mới được các nhà khoa học phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Báo cáo Mekong kì bí được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát hành vào Ngày Môi trường Thế giới (5/6), giới thiệu nhiều loài sinh vật kỳ lạ.
Mekong kỳ bí miêu tả 15 loài mới trong số 290 loài thực vật, 24 loài cá, 21 loài lưỡng cư, 28 loài bò sát, 1 loài chim và 3 loài động vật có vú - được chính thức ghi nhận là những loài mới từ năm 2012-2013 tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Loài sóc bay mới được phát hiện - Ảnh minh họa |
Khu vực Mekong mở rộng trải dài từ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, đến Việt Nam và bao gồm cả phía Tây Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Kể từ năm 1997, đã có 2077 loài mới được các nhà khoa học phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Có thể kể đến loài sóc bay (Biswamoyopterus laoensis), được phát hiện tại Lào, với bộ lông màu đỏ và trắng đặc trưng, đánh dấu sự tồn tại của một chi của họ sóc bay ở khu vực Đông Nam Á.
Trong một hang động ở Lào, các nhà sinh vật học cũng đã phát hiện ra một loài nhện thợ săn mới (Sinopoda scurion) và cũng là loài nhện đầu tiên trên thế giới không có mắt. Sự tiêu giản của mắt ở loài nhện này là do chúng sống hoàn toàn trong môi trường không có ánh sáng.
Tại Việt Nam, một loài dơi mới có hình thù kỳ dị cũng được phát hiện, loài dơi Grifin mũi lá (Hipposideros griffin) được nhận diện bởi chiếc mũi thịt kỳ cục có chức năng trợ giúp chúng trong việc định vị qua tiếng vang.
Cũng tại Việt Nam, một loài cá tí hon và gần như trong suốt, với một cơ chế giải phẫu rất phức tạp đã được phát hiện. Loài cá này có cơ quan sinh sản nằm ngay dưới miệng, chúng giao phối với nhau bằng đầu.
Trong số 21 loài lưỡng cư mới được ghi nhận trong báo cáo, còn có loài ếch bay Helen (Rhacophorus helenae), được phát hiện cách TPHCM chưa tới 100km. Đến tận bây giờ các nhà sinh vật học mới phát hiện ra loài ếch này bởi chúng di chuyển bằng cách lướt giữa cách ngọn cây bằng các chi lớn và có màng và chỉ nhảy xuống để sinh sản trong các hồ nước mưa.
Theo TS. Thomas Gray, Quản lý chương trình Loài của WWF-Greater Mekong, những loài mới được phát hiện đã khẳng định Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là một trong những khu vực trù phú và có độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nếu chúng ta muốn bảo vệ các loài sinh vật mới này khỏi bị tuyệt chủng và tìm thêm được các loài độc đáo khác trong tương lai, thì điều quan trọng cần phải làm ngay lúc này là chính phủ các nước đầu tư vào các chiến lược bảo tồn và phát triển xanh.
Theo baodientu.chinhphu.vn