Nông dân Giao Thủy ứng dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi

08:06, 03/06/2014

Những năm qua, nhờ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, nông dân huyện Giao Thủy đã tiếp cận được với quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Gia đình ông Trịnh Viết Thiện ở xóm 22, xã Giao Lạc được Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KHKT trong chăn nuôi sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường, không có mùi hôi trong chuồng trại nhờ tác dụng của phương pháp chăn nuôi bằng “đệm lót sinh học”. Ông Thiện cho biết, cách đây một năm nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi mới, dùng đệm lót sinh thái vỏ trấu, mùn cưa, bột ngô trộn lẫn chế phẩm sinh học Balasa theo tỷ lệ phù hợp rải xuống nền chuồng, đợi vài ngày cho chế phẩm lên men là có thể thả lợn giống nên trong quá trình nuôi, toàn bộ chất thải đều được “khử”, không phát sinh mùi hôi thối, không mất quá nhiều công vệ sinh chuồng trại, tiết kiệm được điện, nước. Mỗi đệm lót sinh học có thể sử dụng từ 4-6 năm. Chi phí chăn nuôi nhờ vậy giảm đáng kể so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Không chỉ riêng gia đình ông Thiện, ở xã Giao Lạc, nhiều mô hình chăn nuôi gia trại nằm xen giữa khu dân cư khi được hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí thực hiện phương pháp chăn nuôi bằng đệm lót sinh học đã hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được chi phí trong chăn nuôi...

Nông dân xã Giao An phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá.
Nông dân xã Giao An phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá.

Trước đây, mặc dù đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng nhiều cánh đồng lúa của nông dân xã Giao An vẫn bị nhiễm mặn, khiến năng suất đạt thấp. Bà Nguyễn Thị Tuy, hội viên nông dân xã bộc bạch: “Nhiều năm qua, nông dân miền biển luôn phải đối mặt với tình trạng đồng ruộng bị nhiễm mặn, cùng với thời tiết diễn biến khắc nghiệt bão gió, những đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên việc trồng trọt của nông dân gặp nhiều rủi ro, có nhiều vụ chịu cảnh mất mùa”…  Để khắc phục tình trạng này, từ vụ mùa năm 2013, được sự tư vấn, hỗ trợ của MCD, nhiều nông dân trong xã đã lựa chọn canh tác những giống lúa mới như RVT, CT16, TX111 có khả năng thích ứng trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khả năng chịu mặn, chịu rét cao... Qua cấy khảo nghiệm ở vụ mùa năm 2013, những diện tích cấy giống RVT của các hộ không bị thiệt hại nhiều như mọi năm dù ruộng vẫn bị nhiễm mặn, cuối vụ năng suất vẫn đạt 1,2 tạ/sào. Vụ xuân 2014, gia đình bà Tuy cấy 5 sào lúa giống CT16. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài hồi đầu năm làm nhiều diện tích cấy một số giống lúa truyền thống bị chết nhưng diện tích lúa CT16 của gia đình bà vẫn phát triển, sinh trưởng tốt, lúa đang thời kỳ trỗ bông. Kết quả này khiến bà Tuy và nhiều hộ nông dân trong xã rất phấn khởi. Dự kiến, vụ xuân 2014 sẽ có một vụ lúa với năng suất cao.

Để tiếp tục chuyển giao KHKT, giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, những năm qua các cấp HND trong huyện đã chủ động phối hợp với ngành NN và PTNT tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho hơn 1.200 lượt hội viên, nông dân, xây dựng hơn 25 mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mới; phối hợp triển khai thực hiện một số mô hình, dự án điển hình như xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... Qua đó, nông dân được tiếp cận với KHKT và công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất; việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần tăng thu nhập và tạo niềm tin cho nông dân. Bên cạnh đó, HND huyện còn phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn sử dụng in-tơ-nét cho cán bộ, hội viên nông dân; xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; tổ chức cuộc thi “Nhà nông đua tài” giữa các cơ sở Hội nhằm trang bị cho nông dân kiến thức KHKT, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Thời gian tới, HND các cấp trong huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân. Các cấp HND trong huyện chủ động phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở khoa học tập trung đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến cho hội viên nông dân; tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức và tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”; tôn vinh, khích lệ, động viên nông dân áp dụng tiến bộ KHKT nhằm giúp hội viên, nông dân tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện cuộc sống./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com