Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) giữa các trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) và doanh nghiệp vừa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu của nhà trường cũng như sự phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Xu hướng liên kết hữu ích này đã được các trường CĐ, ĐH và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta khai thác phát huy trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm mới với hàm lượng công nghệ cao.
Thời gian qua, các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhiều trường CĐ, ĐH đã nghiên cứu và chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn như: Xây dựng phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý thiết bị, dụng cụ, vật tư… phục vụ công tác quản lý nhân sự, vật tư, trao đổi thương mại điện tử trong các doanh nghiệp; nghiên cứu chế tạo mẫu khuôn đúc tự tiêu; nghiên cứu nâng cao chất lượng bề mặt khi gia công khuôn mẫu bằng phần mềm NX 8.0; chế tạo thiết bị dưỡng kiểm tra độ nhám bề mặt trong sản xuất các chi tiết máy… của nhóm tác giả Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định phục vụ các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo; nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của can thiệp điều dưỡng nâng cao kiến thức, hành vi tự chăm sóc để kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường type 2; nhận xét hiệu quả điều trị của phương pháp laser nội mạch kết hợp điện châm và thuốc y học cổ truyền trên bệnh nhân đột quỵ não… áp dụng trong điều trị và khám, chữa bệnh ở các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế ở cả tuyến tỉnh và tuyến huyện… Tại Trường CĐ Công nghiệp Nam Định, việc nghiên cứu khoa học được xây dựng trên cơ sở chuỗi liên kết giữa “ý tưởng - thiết kế - ứng dụng vào sản xuất”. Nhà trường đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử và dệt may để giới thiệu tiềm năng và mời ứng dụng công trình nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Bám sát nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp, nhà trường đã tổ chức khảo sát thị trường, trao đổi và cử sinh viên thực tập ngay tại các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu về công nghệ cũng như những khó khăn về kỹ thuật mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất. Qua đó định hướng cho các giảng viên, sinh viên tập trung nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về kỹ thuật cho các doanh nghiệp, đồng thời đón đầu công nghệ trong việc nghiên cứu, chế tạo các thiết bị phụ trợ thay thế thiết bị lạc hậu mà các doanh nghiệp đang sử dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó hầu hết những đề tài nghiên cứu khoa học của thầy, trò nhà trường đều được ứng dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất. Tiêu biểu như đề tài nghiên cứu “Nâng cao sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ”; “Nâng cao chất lượng dao cắt dùng trong các loại máy gia công kim loại, máy chế biến nông sản” được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp sản xuất cơ khí và chế tạo máy nông nghiệp thuộc các làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên); Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) và Xuân Tiến (Xuân Trường). Hiện tại, nhà trường đang chào hàng một số sản phẩm nghiên cứu “Thiết kế, chế tạo máy gia công đồ gỗ mỹ nghệ điều khiển bằng kỹ thuật số” giúp gia công chính xác nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ theo phiên bản họa tiết đã được lập trình sẵn trên máy tính. Hay như sản phẩm “Thiết kế, chế tạo máy tạo mẫu FDM” cho phép rút ngắn quá trình thiết kế, chế tạo mẫu nhanh các sản phẩm thuộc các lĩnh vực: cơ khí, y học, kiến trúc, giải trí, gia dụng… Không chỉ các trường chủ động giới thiệu tiềm năng, chào hàng sản phẩm công nghệ, các doanh nghiệp cũng đã tìm đến đặt hàng các nhà trường tìm kiếm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, giải pháp cải tiến máy móc, trang thiết bị hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi (TP Nam Định) là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất các loại chi tiết, sản phẩm đúc phục vụ ngành sản xuất xi măng, khai thác mỏ. Cty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ châu Âu như dây chuyền đúc hút chân không, dây chuyền làm khuôn cát đóng rắn nhanh. Ngoài ra, Cty còn chủ động đầu tư trung tâm kiểm định kim loại với nhiều thiết bị hiện đại, vận hành theo tiêu chuẩn ISO 17025. Để duy trì vận hành hiệu quả hệ thống trang thiết bị hiện đại này, Cty đã thường xuyên liên kết với các trường CĐ, ĐH trên địa bàn trong việc hỗ trợ cải tiến máy móc và khắc phục sự cố trong quá trình hoạt động. Cty đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định chuyển giao, ứng dụng công nghệ cắt CNC vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng, kỹ, mỹ thuật sản phẩm thép hợp kim, thép đúc, thép cán kéo... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu các chi tiết máy phục vụ ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất xi măng và khai thác mỏ. Cty TNHH Nhật Phương, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) đã nhận chuyển giao thành công quy trình tái tạo, khả năng hoạt hóa của điện cực Ti/PBO2 của cô giáo Trần Thanh Hương, hội viên Hội Hóa học tỉnh vào quá trình mạ kẽm trong dây chuyền sản xuất dây lưới thép trong việc tái chế điện cực bằng phương pháp hoạt hóa các a-xít muối sấy nhiều lần ở nhiệt độ cao để tạo nên bề mặt điện cực mới và đưa thêm nguyên tố Mangan (Mn) tạo độ bền và kéo dài thời gian sử dụng của điện cực. Ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu này không chỉ giúp Cty làm lợi mà còn là cơ sở để triển khai áp dụng rộng rãi đối với các dây chuyền mạ kẽm đang sản xuất trên địa bàn. Một số doanh nghiệp ở các làng nghề cơ khí đúc Xuân Tiến (Xuân Trường) như Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Cty TNHH Cơ khí Thanh Bằng còn mời các chuyên gia của các trường ĐH nhóm ngành kỹ thuật cơ khí chế tạo về làm việc trực tiếp tại Cty để nghiên cứu, chế tạo, hợp lý hóa các chi tiết máy không có thiết bị thay thế của các dây chuyền sản xuất.
Mặc dù mang lại hiệu quả thiết thực nhưng mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường ĐH, CĐ và các doanh nghiệp mới chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ mà chưa phổ biến. Một số đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng của các trường ĐH chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp... Để giải quyết vấn đề này, Sở KH và CN đã có nhiều hoạt động nhằm kết nối hoạt động nghiên cứu, ứng dụng giữa các trường CĐ, ĐH với doanh nghiệp trên địa bàn thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề, các cuộc đối thoại trực tiếp để các doanh nghiệp nêu rõ nhu cầu của mình để các nhà trường hỗ trợ. Đồng thời vận dụng tối đa cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư nghiên cứu, chuyển giao KHCN của các trường CĐ, ĐH cho các doanh nghiệp. Định hướng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các trường gắn với việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khuyến khích các nhà trường nâng cao tiềm lực KHCN, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu giải quyết những công việc của địa phương. Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học để nâng cao tính ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Các doanh nghiệp cần có định hướng đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và chủ động đề xuất yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, đặt hàng các nhà khoa học./.
Nguyễn Hương