Theo kết quả rà soát của Sở TN và MT, toàn tỉnh hiện có 168/204 xã, thị trấn đã tổ chức được hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tổng lượng rác thải thu gom đạt khoảng 406,8 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom rác thải trung bình tại các huyện đạt trên 65%, có 3 huyện đạt trên 70% là Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Rác thải sau thu gom được vận chuyển đến nơi quy định và được xử lý chủ yếu bằng 3 phương pháp: chôn lấp, sử dụng lò đốt và sử dụng máy nghiền rác kết hợp chôn lấp, trong đó chôn lấp là phương pháp xử lý chủ yếu được áp dụng tại các xã, thị trấn. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của ngành TN và MT cho thấy, sử dụng phương pháp này của các địa phương có nhiều bất cập, làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều diện tích vì lượng rác thải ứ đọng, chưa phân hủy hết ngày càng tăng, đặc biệt, đối với rác thải là ni lông. Phương pháp sử dụng máy nghiền rác rồi chôn lấp đã được xã Xuân Kiên (Xuân Trường) áp dụng, góp phần giảm từ 70 đến 80% thể tích so với tổng lượng rác ban đầu và có thể nghiền được các loại rác thô như gạch, thủy tinh, kim loại, giải quyết được khó khăn về diện tích bãi chôn lấp. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn phát sinh nước rỉ rác, nước thải, mùi, khí thải và tiếng ồn, gây ô nhiễm môi trường; chi phí vận hành lớn do phải dùng điện 3 pha để vận hành máy nghiền; tuổi thọ máy nghiền không cao, thường xuyên phải thay dao nghiền và dao băm.
Vận hành thử lò đốt rác thải do Cty TNHH Tân Thiên Phú chế tạo tại bãi xử lý rác tập trung của xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Mới đây, một phương pháp mới được nghiên cứu, ứng dụng thành công là sử dụng lò đốt rác. Toàn tỉnh có 5 địa phương là các xã: Hải Xuân, Hải Minh (Hải Hậu); Xuân Tiến (Xuân Trường) và các thị trấn: Thịnh Long (Hải Hậu), Ngô Đồng (Giao Thủy) đầu tư xây dựng lò đốt rác thải. Kết quả cho thấy không phát sinh nước rỉ rác, rác thải sau khi tập kết được phân loại rồi đốt ngay trong ngày. Tro xỉ rác sau quá trình đốt có thể dùng để san lấp hoặc làm phân bón ruộng, làm phụ gia sản xuất vật liệu gạch không nung; trường hợp không tái sử dụng thì thể tích tro phải chôn lấp rất nhỏ, chỉ còn khoảng 3-5%. Rác thải được xử lý triệt để, không ô nhiễm môi trường. Khí thải sau xử lý đạt chuẩn cho phép. Qua các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đã áp dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN và MT phối hợp cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu, chọn lựa và hướng dẫn các địa phương áp dụng phương pháp xử lý rác thải bằng lò đốt. Lò đốt rác tại Thị trấn Thịnh Long là loại lò đốt ứng dụng công nghệ của Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan được Bộ KH và CN chứng nhận công nghệ đạt chuẩn. Lò đốt có thể di chuyển dễ dàng, quá trình vận hành không sử dụng nhiên liệu và có thể đốt tất cả các loại rác sinh hoạt, rác thải nông nghiệp và xác động vật. Chi phí đầu tư khoảng 2-2,3 tỷ đồng/lò; chi phí khấu hao thiết bị tính toán trên lý thuyết khoảng 200 triệu đồng/năm. Tuổi thọ tối thiểu 15 năm với tần suất hoạt động 10 giờ/ngày; quy trình vận hành đơn giản, đốt được cả rác có độ ẩm cao đến 65%. Lò đốt rác tại xã Hải Minh do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sản xuất và lắp đặt với công suất lò khoảng 5-7 tấn/ngày, giá gần 2 tỷ đồng. Lò đốt rác thải tại Thị trấn Ngô Đồng là lò đốt do một số tổ chức kết hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo, sản xuất và lắp đặt, đang được vận hành thử nghiệm. Cty TNHH Tân Thiên Phú cũng chủ động nghiên cứu, sáng chế và đưa vào sản xuất, vận hành thử lò đốt rác tại xã Hải Xuân (Hải Hậu) và xã Xuân Tiến (Xuân Trường) có công suất đốt 300kg/giờ. Lò sử dụng công nghệ vận hành dựa trên cơ sở đối lưu tự nhiên của dòng khí, tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng, không cần sử dụng các loại nhiên liệu bên ngoài để vận hành thiết bị. Ô xy trong quá trình cháy được kiểm soát và cung cấp bằng cách đóng, mở cửa cấp gió trên thân lò. Lượng nhiệt duy trì quá trình cháy trong lò do bản thân rác thải cháy tạo ra trên cơ sở tận dụng tối đa lượng nhiệt bức xạ. Thời gian vận hành lò đốt đạt 24/24 giờ. Về môi trường, do việc đốt rác thực hiện liên tục nên rác không bị ứ đọng, hầu như không phát sinh nước rỉ rác; tro xỉ không có mùi khi chôn lấp, không ảnh hưởng đến môi trường. Về khí thải, theo kết quả lấy mẫu phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Tổng cục Môi trường) thì khí phát thải từ lò đốt ít độc hại do lò không sử dụng nhiên liệu đốt và được xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường. Với những ưu điểm nổi bật so với một số công nghệ khác, đặc biệt là kinh phí đầu tư, chi phí vận hành thấp, Sở TN và MT đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đầu tư công trình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn sử dụng lò đốt LOSIHO theo mô hình đã xây dựng tại xã Hải Xuân.
Lựa chọn mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp là một yêu cầu cấp bách trong công tác BVMT nông thôn, xây dựng NTM. Qua các mô hình đã triển khai ở các địa phương thời gian qua đã khẳng định những ưu thế vượt trội của công nghệ lò đốt LOSIHO mà các địa phương cần sớm nghiên cứu triển khai sử dụng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư lò đốt rác thải của các địa phương. Đồng thời giao Sở TN và MT phối hợp với UBND các huyện và các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận hành lò đốt rác theo quy định của pháp luật về BVMT. Theo đó, lò đốt rác chỉ được đưa vào vận hành khi tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về công tác BVMT đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; việc vận hành lò đốt phải đảm bảo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30:2012/BTNMT và các quy định của pháp luật có liên quan. Hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn theo quy mô cấp xã tại những địa phương áp dụng phương pháp chôn lấp nhưng chưa thực hiện đầy đủ các quy trình, kỹ thuật bắt buộc và tại 93 xã chưa xây dựng bãi chôn lấp rác thải quy mô cấp xã, nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải sinh hoạt./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý