Le Figaro cho biết một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí của Viện hàn lâm khoa học Mỹ (PNAS), cho biết ô nhiễm bụi siêu nhỏ tại châu Á không những có thể tham gia vào việc trái đất bị hâm nóng, mà còn làm tăng lượng mưa.
Hàng năm, Trung Quốc và các quốc gia láng giềng thải ra khoảng 18 triệu tấn hạt siêu nhỏ. Những hạt này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, như các nghiên cứu gần đây cho thấy, mà còn là một nhân tố tác động mạnh đến môi trường nói chung. Có đến một phần tư của khối lượng 18 triệu tấn bụi siêu nhỏ này vượt qua Thái Bình Dương đến tận nước Mỹ.
Theo các nhà khoa học, các hạt bụi siêu nhỏ kết hợp với hơi nước và khí từ đại dương và từ sa mạc, đã góp phần làm cho các đám mây trên Thái Bình Dương có thể tích lớn hơn và vì vậy gây ra các trận mưa to hơn.
Cơ chế của tác động này hiện đang được tiếp tục nghiên cứu. Theo nhận định của các chuyên gia, các hoạt động của con người ngày càng tạo ra nhiều hạt siêu nhỏ. Vì thế, tác động của những hạt này đến môi trường tự nhiên và khí hậu là một hiện tượng hàng đầu cần sớm được giải mã./.
Theo: baodientu.chinhphu.vn