Sở KH và CN tỉnh Nam Định (tiền thân là Ban Khoa học - Kỹ thuật tỉnh) được thành lập từ năm 1964. Qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động KHCN tỉnh luôn khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cùng với các thành tựu đạt được trên các lĩnh vực cụ thể, hoạt động KHCN đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học làm cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh, đồng thời tham gia giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách; nâng cao tiềm lực KHCN; bộ máy quản lý Nhà nước về KHCN ngày càng hoàn thiện, cơ chế quản lý được đổi mới, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý KHCN trên địa bàn.
Sản xuất giống đậu tương tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng). Ảnh: Nguyễn Hương |
Ngay từ ngày đầu thành lập, hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngành KH và CN tỉnh tập trung mọi nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh đã vượt lên khó khăn, gian khổ, hy sinh, đã có hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ lao động sản xuất và chiến đấu như: Nghiên cứu lựa chọn và đưa vào cấy thử nghiệm tập đoàn giống lúa Nông nghiệp 8, Trân Châu lùn và một số giống lợn lai cho hiệu quả kinh tế cao… Nghiên cứu một số đề tài khoa học như ứng dụng kỹ thuật sản xuất nước giải khát, nước chấm; nhân giống khoai tây… Đất nước thống nhất, cùng với cả nước triển khai thực hiện các Nghị quyết 37 và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò KHCN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ngành KH và CN tỉnh đã thực hiện nhiều dự án áp dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp và khảo nghiệm chọn tạo được các tập đoàn giống lúa cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi điều kiện thổ nhưỡng địa phương như giống IR1820, CR203, NN5, NN8, thâm canh gối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thời kỳ này, ngành cũng đã tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất CN-TTCN tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ phát triển của các ngành: Công nghiệp, GTVT, xây dựng, đánh bắt thuỷ, hải sản và khai thác kinh tế biển... Năm 1993, Ban Khoa học - Kỹ thuật tỉnh được đổi tên thành Sở KH, CN và MT, tháng 6-2003, tiếp tục đổi tên thành Sở KH và CN, có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về KHCN. 10 năm qua, tập thể cán bộ, CCVC ngành KHCN tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2004, Sở KH và CN đã đầu tư xây dựng Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN trên diện tích 2,7ha tại xã Lộc An (TP Nam Định) với đầy đủ trang thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, ứng dụng CNTT vào công tác điều hành quản lý cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nhiệm vụ cải cách hành chính. Năm 2014, Trung tâm tiếp tục được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp thành Trung tâm Dữ liệu tỉnh Nam Định theo chương trình hợp tác phát triển CNTT giữa tỉnh Nam Định và Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Đồng thời đầu tư xây dựng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN trên diện tích 1,5ha gồm nhà làm việc, 504m2 nhà lưới hiện đại điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, 1.800m2 hồ điều hoà và các công trình phụ trợ khác được thiết kế hiện đại đáp ứng nhu cầu làm việc, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất như: chế phẩm vi sinh phục vụ xử lý rác thải, giống nấm, hoa lan Hồ điệp thương phẩm… Từ năm 2009, Sở KH và CN đã đầu tư xây dựng Trung tâm Hiệu chuẩn thử nghiệm được trang bị đồng bộ đảm bảo hoàn thành tốt chức năng quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng hàng hóa, hiệu chuẩn, thử nghiệm cơ - hóa - lý và tham gia vào công tác trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, Sở KH và CN đã làm tốt công tác tham mưu xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 37 đơn vị đã được cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Những thành tựu KHCN trong những năm gần đây đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra; đổi mới, nâng cao trình độ KHCN, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN, phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, các nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ khoa học để tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nghiên cứu, tiếp thu công nghệ cho khâu sản xuất giống và quy trình kỹ thuật thâm canh một số đối tượng nuôi, trồng (ngao, cá, tôm...) cho giá trị kinh tế cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, tạo nguồn giống cây trồng chất lượng cao, sạch bệnh cho sản xuất. Tập trung hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước nâng cấp hạ tầng cơ sở về CNTT của các đơn vị; đào tạo nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các ngành, đơn vị, địa phương; từng bước xây dựng nền hành chính điện tử. Trong lĩnh vực y - dược đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình ứng dụng KHCN trong chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ xác lập quyền SHTT cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành làm tốt công tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác quản lý an toàn bức xạ trên địa bàn từng bước được chấn chỉnh nề nếp, các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ được quản lý chặt chẽ. Thông tin KHCN được quan tâm, đẩy mạnh và đưa xuống tới cấp xã, phường. Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và đời sống phát triển rộng khắp, các hội thi sáng tạo được tổ chức thường xuyên nhằm khuyến khích hoạt động lao động sáng tạo. Công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã tập trung kiểm soát các phương tiện đo trong các lĩnh vực nhạy cảm như xăng dầu, đo lường điện, taximet…; hướng cho các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Nhà nước về chất lượng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hầu hết các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học vẫn ở mức thấp. Hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tiềm lực, điều kiện đổi mới công nghệ còn hạn chế. Nhân lực KHCN còn hạn chế cả về số lượng, cơ cấu, trình độ và nhiệt huyết với công tác khoa học; thiếu nhiều cán bộ “đầu đàn” có khả năng tập hợp đội ngũ để chủ trì các công trình KHCN tổng hợp, liên ngành; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Chưa thực hiện đa dạng hoá nguồn đầu tư cho KHCN.
Để KHCN tiếp tục phát triển góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng những thành quả KHCN tiên tiến, nhất là CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu... vào sản xuất và đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong các ngành sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; chế biến nông, lâm, thủy sản, y - dược. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện tử và CNTT; đầu tư và có chính sách phát triển mạnh công nghiệp phần mềm. Đẩy mạnh các hoạt động khoa học, xã hội và nhân văn phục vụ cho công tác quy hoạch, kế hoạch và điều hành của lãnh đạo tỉnh. Xây dựng những cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt để phát triển nhân lực và thu hút tiềm lực KHCN. Trong đó, tăng cường năng lực công nghệ, nhân lực KHCN của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ mạnh để có thể tiếp nhận và sử dụng những tri thức và nhân lực KHCN từ bên ngoài thông qua mua, bán, chuyển giao công nghệ. Tham mưu với tỉnh xây dựng chính sách có sức thu hút những chuyên gia KHCN về làm việc hoạt động tại tỉnh. Có chính sách liên kết, hợp tác KHCN đặc thù với các tổ chức KHCN Trung ương, các trường đại học để xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Phát triển nhân lực và cơ sở hạ tầng KHCN đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chú trọng phát triển nhân lực KHCN tại chỗ; chuyển mạnh sang thời kỳ phát triển kinh tế theo chiều sâu, trong đó KHCN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại các KCN, khu kinh tế, các khu ứng dụng công nghệ cao... Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: SHTT, an toàn bức xạ - hạt nhân, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng… Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các làng nghề trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, các sản phẩm chủ lực, mở rộng thị trường tạo nền tảng cho sản xuất phát triển bền vững, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn bức xạ - hạt nhân, quan tâm tới các hoạt động giám sát các biến động bức xạ môi trường. Kiên quyết xử lý các vi phạm trong tiêu chuẩn, chất lượng, gia tăng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận về đo lường trong các hoạt động thương mại. Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các địa phương, phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở KH và CN sẽ khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh./.
TS. Lê Đức Ngân
TUV, Giám đốc Sở KH và CN