Đổi mới quản lý hoạt động KHCN cấp huyện

08:05, 27/05/2014

Trong những năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) cấp huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về KHCN trên địa bàn, phối hợp quản lý, triển khai các đề tài, dự án KHCN tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN, tài nguyên môi trường; nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của KHCN trong việc tăng giá trị, hiệu quả lao động sản xuất của mình.

Tuy nhiên, thực tế tác động của KHCN cấp huyện với cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân chưa rõ nét, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương cũng như chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động KHCN ở các huyện, thành phố phát triển không đồng đều. Công tác thông tin KHCN chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Chưa hình thành được thị trường KHCN để tạo môi trường giao lưu, trao đổi ý tưởng và đầu tư cho KHCN giữa nhà khoa học với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí dành cho hoạt động KHCN cấp huyện còn ít, chỉ đủ cho việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến văn bản pháp luật mới liên quan đến KHCN chứ chưa có nguồn cho việc khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công nhân lao động và nhân dân địa phương. Bộ máy, cán bộ quản lý hoạt động KHCN cấp huyện chỉ có một cán bộ phụ trách thuộc Phòng Công thương nhưng phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên hạn chế thời gian đầu tư cho hoạt động quản lý chuyên môn. Nhiều đơn vị, cán bộ được bố trí làm việc chưa quá 6 tháng đã phải luân chuyển sang làm công việc khác, gây khó khăn cho việc thực thi nhiệm vụ chuyên môn và lãng phí công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Để có thể đề xuất nhiệm vụ KHCN sát với thực tế, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển đòi hỏi cán bộ tham mưu phải nắm chắc thực tiễn, tường tận những lợi thế và điểm yếu của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh... Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý KHCN cấp huyện chưa thống nhất và phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của lãnh đạo từng địa phương.

Nông dân xã Lộc Hòa (TP Nam Định) tham gia dự án Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Nông dân xã Lộc Hòa (TP Nam Định) tham gia dự án Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Xác định rõ những hạn chế, yếu kém trong hoạt động KHCN cấp huyện, Sở KH và CN đã tập trung đào tạo và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý KHCN trên địa bàn huyện. Tăng cường cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho cán bộ quản lý KHCN cấp huyện. Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý KHCN cấp huyện tham gia vào các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề KHCN trên địa bàn để nắm bắt kịp thời tình hình. Tăng cường sự phối hợp giữa các phòng chuyên môn của Sở với Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố trong triển khai kế hoạch hoạt động KHCN từng lĩnh vực chuyên môn. Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động KHCN và phân bổ các đề tài, dự án KHCN cấp huyện để giải quyết kịp thời những yêu cầu thực tế đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Huyện Giao Thủy được đánh giá là làm tốt công tác đề xuất nhiệm vụ KHCN cấp huyện, quản lý các đề tài, dự án KHCN triển khai trên địa bàn. Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, cán bộ phụ trách KHCN đã trực tiếp làm việc với từng đơn vị đầu mối ở các ngành, các lĩnh vực, xác định nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết để lựa chọn đề tài nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ KHCN với các cấp có thẩm quyền. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới với đơn vị thực thi cấp huyện để giám sát, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn mà các đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai dự án. Do đó, các đề tài, dự án KHCN triển khai trên địa bàn huyện đều bảo đảm đúng, trúng đạt kết quả tốt, giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh nên Thành phố Nam Định có nhiều lợi thế trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Trung bình mỗi năm, thành phố có trên 500 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được ứng dụng vào thực tế sản xuất, tạo không khí thi đua, hăng say lao động sản xuất, góp phần quan trọng trong việc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng GD và ĐT, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Để có được kết quả này, hằng năm, Hội đồng KHCN thành phố tổ chức phát động phong trào tới từng đơn vị trực thuộc, hướng dẫn cách viết sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và phối hợp với công đoàn cơ sở, các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm lâu năm góp ý, hoàn thiện những giải pháp hữu ích. UBND thành phố, lãnh đạo đơn vị có cơ chế khuyến khích động viên ngoài quy định chung của UBND tỉnh cho các tác giả có sáng kiến đạt giải. Huyện Trực Ninh đã phát huy hiệu quả nguồn nhân lực KHCN các phòng, ban chuyên môn của huyện, các đơn vị xã, thị trấn xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội và lao động sản xuất. Huyện đã thực hiện thành công Đề án “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, tổ chức 124 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh lúa, cây màu vụ đông, quy trình thâm canh cánh đồng mẫu lớn cũng như kỹ thuật giảm tổn thất sau thu hoạch trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thuỷ sản; xây dựng 55 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất… góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên 1ha canh tác của huyện đạt 95,1 triệu đồng, tăng trên 23 triệu đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Đề án./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com