Xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp phát triển KHCN nhằm huy động nguồn lực của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong việc nâng cao tiềm lực KHCN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tham quan Trung tâm thực hành. |
Để thúc đẩy quá trình xã hội hóa hoạt động KHCN, Sở KH và CN đã tập trung nâng cấp Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN và Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN đáp ứng yêu cầu chuyển đổi hoạt động tự chủ theo hướng phân bổ kinh phí trên cơ sở nhiệm vụ được giao thay vì cấp kinh phí hoạt động theo số lượng biên chế. Với cơ chế quản lý mới, các Trung tâm đã phát huy tính chủ động trong hoạt động, tự trang trải tài chính, tự xác định nhiệm vụ KHCN, được chủ động ký hợp đồng với các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và được tổ chức các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật… Đây là những yếu tố tạo bước đột phá giúp các tổ chức KHCN công lập có thêm điều kiện để phát triển theo hướng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Hiện tại hai Trung tâm đã sắp xếp nhân lực, tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, trong đó ưu tiên đào tạo chuyên sâu ở các ngành mũi nhọn như công nghệ sinh học; điện, tự động hóa… để hỗ trợ nghiên cứu khoa học phát triển sản phẩm thế mạnh, đồng thời xây dựng thương hiệu và đưa ra thị trường một số sản phẩm có tính cạnh tranh cao ở cả lĩnh vực đào tạo, cung cấp thông tin, tư vấn, chuyển giao KHCN và lĩnh vực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giới thiệu và tư vấn chuyển giao một số công nghệ cao, thiết bị tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, xử lý môi trường và các lĩnh vực khác…, tiến tới thành lập doanh nghiệp KHCN trực thuộc Trung tâm vào năm 2016 với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, Sở KH và CN còn tham mưu giúp UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống các tổ chức KHCN của tỉnh bao gồm các trung tâm liên quan đến hoạt động KHCN của các sở, ngành: NN và PTNT, Công thương, TN và MT, Xây dựng, Điện lực; các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp có sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao trên địa bàn; xây dựng các cơ sở đào tạo tài năng KHCN tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định và Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp KHCN; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hoàn thiện các tổ chức cơ sở về đo lường và kiểm tra phương tiện thử nghiệm, kiểm nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu phát triển KHCN. Theo đó, đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ từ 50-100% kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; hỗ trợ không quá 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm và thực hiện cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp có dự án chuyển giao, tiếp nhận công nghệ; không áp dụng mức thuế đối với nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu và áp dụng mức thuế ưu đãi đối với hoạt động ứng dụng công nghệ cao. Để tạo “đòn bẩy” thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động KHCN, tỉnh thành lập Quỹ KHCN tỉnh với số vốn ban đầu hàng tỷ đồng nhằm tài trợ hoặc cho các tổ chức và cá nhân vay để thực hiện nhiệm vụ KHCN theo đề xuất. Giải pháp này đã phần nào tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho các đơn vị khi thực hiện nghiên cứu khoa học. Cùng với khuyến khích các thành phần tham gia nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, UBND tỉnh cải thiện môi trường đầu tư, tranh thủ nguồn vốn viện trợ phi Chính phủ, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế đầu tư cho phát triển KHCN trong các lĩnh vực KHKT, khoa học tự nhiên, môi trường và biến đổi khí hậu. Bằng những biện pháp đồng bộ, công tác xã hội hóa hoạt động KHCN của tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 30 tổ chức KHCN đăng ký hoạt động ở mọi lĩnh vực sản xuất. Ngoài các trung tâm trực thuộc Sở KH và CN còn nhiều trung tâm KHCN của các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp như Cty CP Giống cây trồng Nam Định, Cty TNHH Cửu Dung, Cty CP Cá giống Nam Trực; Trung tâm Thực hành (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định); Phòng thí nghiệm (Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định)… Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, sau nhiều năm chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực kỹ thuật cao, cơ sở vật chất, đến nay đã hoàn thiện Trung tâm Thực hành với tổng nguồn vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài, kinh phí sự nghiệp giáo dục và đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, trường học trong toàn quốc. Trung tâm có trên 100 phòng thực hành, thí nghiệm với các thiết bị ngoại nhập đạt chuẩn công nghiệp và 25 cán bộ, giáo viên có trình độ cao, kỹ năng thực hành tốt, đáp ứng yêu cầu học tập, kiểm định, hiệu chuẩn, nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao ở cả 4 lĩnh vực: cơ khí; tự động hóa công nghệ cao; điện, điện tử và công nghệ thông tin. Năm 2013, Trung tâm được Bộ GD và ĐT lựa chọn là đơn vị kiểm định chuẩn thực hành trên toàn quốc. Hiện, Trung tâm đang xúc tiến liên kết với các trường khối kỹ thuật trên toàn quốc để thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng chuẩn thực hành cho sinh viên và thực hiện sản xuất thử nghiệm các sản phẩm có tính chính xác cao phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN là hướng đi tất yếu thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, tác động chiều sâu nâng cao chất lượng, hiệu quả của các ngành, lĩnh vực sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Trước mắt đạt được mục tiêu đến năm 2015 có 35% doanh nghiệp đăng ký hoạt động KHCN và cân bằng mức đầu tư cho KHCN của Nhà nước và các doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương