Với nguồn nhân lực đông đảo đang làm việc, học tập và nghiên cứu tại hơn 100 cơ sở khám, chữa bệnh, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp chuyên ngành y, dược và 10 doanh nghiệp sản xuất tân dược, nam dược…, tỉnh ta có nhiều lợi thế trong triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực y, dược. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, các ngành: KH và CN, Y tế, GD và ĐT, Công thương đã định hướng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y, dược nhằm tìm ra phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho nhân dân.
Hiện tại, ở các xã Thành Lợi, Tam Thanh (Vụ Bản), những người cao tuổi đều thông thạo kiến thức tự chăm sóc mình, vệ sinh cá nhân, khả năng xử trí tình huống khi tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, trầm cảm, xương, khớp; có thói quen luyện tập thể dục buổi sáng, chiều tối. Đây là kết quả của việc áp dụng mô hình “Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng” do giảng viên và sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định nghiên cứu và thực nghiệm với sự tư vấn của các chuyên gia thuộc Viện Lão khoa Quốc gia. Đề tài này được xây dựng trên nguyên tắc điều trị dự phòng theo hướng dựa vào cộng đồng, gồm các tổ chức đoàn thể Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ; người thân trong gia đình, cán bộ y tế cơ sở; sự phối hợp tư vấn của chuyên gia. Theo đó, hơn 1.500 người cao tuổi của các địa phương trên đã được khám bệnh, sàng lọc, phân loại sức khoẻ, tổ chức theo dõi bệnh theo địa bàn dân cư hoặc tình trạng bệnh lý và hướng dẫn cho người nhà và bản thân người cao tuổi cách theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà tùy theo nhóm bệnh. Sau hai năm nghiên cứu và xây dựng mô hình thử nghiệm, ngoài việc trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho một bộ phận người dân duy trì sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và phòng ngừa biến chứng từ các bệnh mãn tính ở người cao tuổi, đề tài này còn phát huy nguồn nhân lực sẵn có trong cộng đồng, đặc biệt là những nơi có sinh viên các trường y, dược đi thực tế.
Khám, chữa bệnh cho người cao tuổi theo mô hình "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng" tại xã Thành Lợi (Vụ Bản). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Từ kết quả ban đầu, mô hình “Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng” đang được nhân rộng ra các huyện khác trong tỉnh, mở ra cách làm mới trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại địa bàn nông thôn. Cùng với việc nghiên cứu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các đề tài khoa học còn nghiên cứu tìm ra giải pháp chăm sóc sức khỏe đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em; phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ; người dân sống trong các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường cao… thông qua các đề tài nghiên cứu như: “Ứng dụng mô hình sàng lọc đái tháo đường thai kỳ của WHO cho phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Một số giải pháp nâng cao kiến thức về bệnh tay - chân - miệng cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi tại xã Tam Thanh (Vụ Bản)”; “Đánh giá hiệu quả của can thiệp điều dưỡng nâng cao kiến thức, hành vi tự chăm sóc để kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường type 2”; “Nhận xét hiệu quả điều trị của phương pháp laser nội mạch kết hợp điện châm và thuốc y học cổ truyền trên bệnh nhân đột quỵ não” do Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định thực hiện; “Giải pháp giảm thiểu gánh nặng bệnh tật truyền qua thực phẩm” do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) thực hiện; “Nghiên cứu thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành về CSSKSS-KHHGĐ của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vùng ven biển tỉnh Nam Định” do Chi cục Dân số - KHHGĐ thực hiện; “Phương pháp làm giảm tỷ lệ ung thư và ô nhiễm môi trường ở nông thôn” do Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên) thực hiện… Kết quả nghiên cứu của các đề tài này đã đưa ra các luận cứ khoa học cho các nhà quản lý hoạch định kế hoạch dự phòng chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cảnh báo người dân về những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; trang bị kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng, phòng bệnh và biện pháp sơ, cấp cứu, xử lý tình huống ban đầu đối với một số tai nạn thường gặp trong cộng đồng. Nhiều nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y, dược học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được trao giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh lần thứ IV.
Cùng với nghiên cứu tìm ra phương pháp phòng, điều trị bệnh hiệu quả cho cộng đồng, các đề tài khoa học còn tập trung nghiên cứu tìm ra cơ chế tận dụng các cây thuốc nam, chiết xuất theo quy mô công nghiệp phục vụ công tác điều trị một số bệnh thường gặp cho nhân dân. Tiêu biểu như các đề tài: “Quy trình kỹ thuật, thực nghiệm sản xuất và ứng dụng sản phẩm cây bụp giấm trong đời sống dân sinh để chế biến đồ uống, thực phẩm, mỹ phẩm và làm thuốc chữa bệnh”; “Nghiên cứu tối ưu kỹ thuật bào chế và đánh giá tính khả dụng của Rifampicin trong thuốc viên chống lao phối hợp 3 thành phần Rifampicin, Isoniazid và Pyrazinamid”… Trong đó, đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình chiết saponin toàn phần từ rễ cây đinh lăng và ứng dụng để sản xuất trong quy mô công nghiệp” do Cty TNHH Nam Dược thực hiện không chỉ khai thác nguồn dược liệu quý trong dân gian để phục vụ yêu cầu chăm sóc sức khỏe con người, mà còn mở ra hướng sản xuất mới ở nông thôn, khuyến khích cải tạo vườn tạp, mở rộng vùng sản xuất dược liệu, nâng cao giá trị cây thuốc nam và tăng thu nhập cho nông dân…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Sở KH và CN đề nghị các ngành liên quan thành lập Hội đồng khoa học cấp ngành và ở tất cả các đơn vị trực thuộc triển khai hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ khoa học và định hướng cho các đơn vị lựa chọn, triển khai đề tài nghiên cứu bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời khuyến khích các ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y, dược học. Các ngành chức năng phân công cán bộ có trình độ, am hiểu kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực y, dược học để hướng dẫn quy trình thực hiện đề tài nghiên cứu; tiếp nhận và giải quyết những vấn đề cần trao đổi giữa đơn vị nghiên cứu và đơn vị thử nghiệm cũng như ứng dụng, nhân rộng kết quả, sản phẩm của các đề tài vào thực tế. Sở KH và CN tạo thuận lợi về thủ tục đăng ký đề tài và kinh phí thực hiện đề tài để các đơn vị, cá nhân yên tâm chuyên sâu vào nghiên cứu; thực hiện quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu thông qua quá trình rà soát, đánh giá của các Hội đồng khoa học. Phát huy vai trò kết nối chặt chẽ hơn giữa các đơn vị nghiên cứu với các đơn vị thực hiện trực tiếp nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y, dược./.
Nguyễn Hương