Kết quả bước đầu của dự án ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp

07:04, 26/04/2014

Theo thống kê của Sở NN và PTNT, tỉnh ta có gần 800 nghìn gia súc, trên 6,5 triệu con gia cầm được tổ chức chăn nuôi xen kẽ ngay trong khu dân cư... Trung bình mỗi năm, có trên 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi thải ra môi trường khi chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, sức khoẻ cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Để khắc phục tình trạng này, Sở NN và PTNT đã triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ trên toàn tỉnh với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thông qua việc mở rộng và phát triển chương trình khí sinh học tạo nguồn năng lượng sạch; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Xây dựng hầm bi-ô-ga theo phương pháp truyền thống tại gia đình anh Vũ Thế Tôn, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).
Xây dựng hầm bi-ô-ga theo phương pháp truyền thống tại gia đình anh Vũ Thế Tôn, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).

Dự án hỗ trợ khoảng 3.000 đến 5.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; tập huấn kỹ thuật, tiêu chuẩn, vận hành, bảo dưỡng công trình khí sinh học đến thủ tục lập hồ sơ vay vốn tín dụng xây dựng các công trình khí sinh học và các hạng mục môi trường có liên quan đến quản lý chất thải chăn nuôi. Xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi các bon thấp theo hướng VietGAP và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính xây dựng 5-10 mô hình sử dụng khí sinh học phát điện, các thiết bị sử dụng khí ga, cung cấp khí ga dùng chung cho các hộ lân cận, công trình khí sinh học nhằm tận dụng tối đa lượng khí ga thừa, tạo nguồn thu bổ sung cho các hộ đầu tư công trình khí sinh học. Ngoài ra, dự án còn thực hiện một số mô hình thí điểm ứng dụng quy mô nhỏ để phát triển các công nghệ sản xuất phù hợp với địa phương như: Công nghệ sản xuất lúa cải tiến giảm phát thải khí nhà kính, với việc hỗ trợ các hạng mục về thủy lợi, công nghệ sử dụng phế, phụ phẩm trong trồng trọt; công nghệ chế biến thức ăn cho nuôi trồng thủy sản nhằm giảm ô nhiễm môi trường nước trong vùng nuôi… Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở để điều hành, quản lý và giám sát dự án. Xây dựng và cập nhật các chương trình đào tạo và giáo trình giảng dạy cho nông dân và các cán bộ nông nghiệp về các kỹ thuật ứng dụng quản lý chất thải nông nghiệp các bon thấp phục vụ đào tạo và dạy nghề nông thôn; đào tạo đội ngũ thợ xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng các công trình khí sinh học và các hạng mục môi trường có liên quan bảo đảm tiếp tục thực hiện chương trình khi kết thúc dự án. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Điều phối viên dự án cho biết: Ưu điểm của dự án là không giới hạn số lượng người dân đăng ký tham gia dự án với mức hỗ trợ thấp nhất là 3 triệu đồng/công trình đối với cả hầm bi-ô-ga xây và hầm bằng chất liệu composite. Người dân được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật và cung ứng sản phẩm đồng bộ từ bếp ga, bóng đèn thắp sáng, đồng hồ báo năng lượng và bộ lọc khí... để đảm bảo cho các hộ có thể sử dụng năng lượng sau 10 ngày lắp đặt một cách an toàn, tiện lợi.

Sau 6 tháng triển khai, ngoài việc kiện toàn Ban chỉ đạo, dự án đã tiến hành đào tạo cho 40 tiểu giáo viên cấp tỉnh, cấp huyện; gần 800 học viên là đại diện cho các tổ chức trực thuộc ngành NN và PTNT và các tổ chức hội, đoàn thể của 10 huyện, thành phố về công nghệ sinh học, phương pháp quản lý chất thải trong chăn nuôi cũng như cách lắp đặt, vận hành, sử dụng và bảo dưỡng công trình… Đến nay đã có gần 2.000 hộ dân đăng ký xây dựng hầm bằng bê tông cốt thép và composite. Trong đó có trên 300 hầm khí bi-ô-ga đã được xây dựng và bắt đầu khai thác sử dụng. Trong đó, huyện Xuân Trường 80 hầm, Nghĩa Hưng 59 hầm, Nam Trực gần 60 hầm… Ngoài việc quản lý chất thải, an toàn với môi trường, trung bình một hầm bi-ô-ga còn tiết kiệm được từ 150-200 nghìn đồng tiền chất đốt mỗi tháng. Nhiều trang trại chăn nuôi lớn với lượng khí ga nhiều còn sử dụng khí ga thắp sáng chuồng trại, sưởi ấm cho lợn con, gà con và chạy máy phát điện phục vụ các nhu cầu sinh hoạt khác. Trang trại của anh Nguyễn Văn Toán, ở xã Xuân Thủy (Xuân Trường), nuôi 30 con lợn nái ngoại. Anh đã xây dựng hầm bi-ô-ga với thể tích 10m3 và đưa vào sử dụng từ tháng 1-2014. Ngoài việc sử dụng nguồn năng lượng phục vụ đun nấu, thắp sáng chuồng trại, sưởi ấm cho lợn con; chất thải, cặn bã thu gom sau khi phát khí được ủ bằng công nghệ composte để bón cho cây trồng. Do đó hiệu quả của dự án mang lại đã vượt trội so với tính toán ban đầu. Hiện đã có nhiều hộ dân thành công với mô hình này như gia đình các ông: Phạm Trung Thông, đội 8, thôn Lạc Thuần, xã Giao Châu (Giao Thủy); Vũ Thế Tôn, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Vũ Mạnh Quyền, xã Hồng Quang (Nam Trực)... Nghĩa Hưng là vùng biển lấn nên cốt đất yếu, không áp dụng được kỹ thuật xây dựng hầm bi-ô-ga. Do đó khi triển khai dự án ở Nghĩa Hưng, các kỹ thuật viên phụ trách địa bàn đã tư vấn cho nhân dân chọn loại hầm bi-ô-ga bằng chất liệu composite để lắp đặt và đã thành công nên nhân dân rất phấn khởi và đang tiếp tục đăng ký mở rộng trên quy mô toàn huyện.

Hiện tại, Ban chỉ đạo dự án đang tập trung rà soát và xây dựng các công trình khí sinh học đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đồng thời triển khai hợp phần hai, hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng cho nhân dân cải thiện chuồng trại chăn nuôi và các công trình liên quan như xây dựng mô hình trang trại theo quy trình khép kín từ khâu quy hoạch chăn nuôi đầu vào (giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu gom chất thải), đến sử dụng khí ga từ công trình khí sinh học, tận dụng chất thải để làm phân bón và xử lý nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường; cách quản lý toàn diện chất thải. Đây là cơ hội tốt để tỉnh ta thực hiện mục tiêu xây dựng một nền chăn nuôi sạch, thân thiện với môi trường, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn./.  

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com