Trong những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh quá trình ứng dụng các tiến bộ KHKT vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào phát huy sáng kiến trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập: Hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động sáng kiến nên chưa động viên được các tác giả viết sáng kiến, kinh nghiệm, mặc dù nhiều sáng kiến có giá trị. Một số tác giả sáng kiến do hạn chế kỹ năng viết nên báo cáo diễn giải sáng kiến thường sơ sài, không nêu bật được tính mới, tính sáng tạo nên việc đánh giá, quản lý sáng kiến của Hội đồng khoa học gặp khó khăn. Việc khai thác, quản lý, phát triển sáng kiến cũng chưa được thực hiện chặt chẽ ở cả phía tác giả và đơn vị đầu tư sáng kiến dẫn đến lãng phí hoặc tranh chấp về thương mại, bản quyền tác giả trong quá trình sử dụng. Việc tổ chức chi trả kinh phí hoạt động của Hội đồng khoa học, phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo, hướng dẫn viết sáng kiến kinh nghiệm và chế độ thù lao cho người có sáng kiến chưa được quy định cụ thể mà chủ yếu là "vận dụng" theo điều kiện của từng đơn vị, dẫn đến quản lý thiếu chặt chẽ.
Cán bộ Sở KH và CN đánh giá kết quả các mô hình sáng tạo của học sinh, sinh viên. |
Để khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo theo cách thống nhất khuôn khổ pháp lý cần thiết đối với hoạt động phát huy sáng kiến trên địa bàn tỉnh, ngày 12-3-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND về quản lý sáng kiến trên địa bàn tỉnh Nam Định; trong đó quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến; quyền và nghĩa vụ của tác giả, chủ đầu tư tạo ra sáng kiến và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động sáng kiến. Quyết định cũng quy định thống nhất mẫu báo cáo sáng kiến; trình tự xét duyệt sáng kiến; quyền và nghĩa vụ của tác giả, chủ đầu tư sáng kiến và kinh phí chi trả cho hoạt động sáng kiến. Đây là điểm mới căn bản tạo điểm tựa cho công tác quản lý, phát triển hoạt động sáng kiến, sáng chế. Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh, Sở KH và CN đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh có các văn bản quy định cụ thể các lĩnh vực liên quan đến hoạt động sáng kiến trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phổ biến sáng kiến và khuyến khích phong trào thi đua lao động sáng tạo. Sở KH và CN đã làm tốt vai trò chủ trì và phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Tỉnh Đoàn và các ngành tổ chức tổng kết hoạt động sáng kiến; xem xét công nhận sáng kiến; đồng thời hướng dẫn tác giả tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng kiến; tư vấn cung cấp thông tin cho các tác giả sáng kiến trong việc chắp nối ý tưởng, hoàn thiện và khai thác sáng kiến trong thực tế lao động sản xuất. Hiện tại, Sở KH và CN đang chuẩn bị tổ chức tập huấn về hoạt động sáng kiến cho đội ngũ cán bộ phụ trách KHCN cấp cơ sở, các thành viên Hội đồng KHCN các sở, ngành và các đơn vị trực thuộc. Theo quy định mới, mức trả thù lao, trả thưởng cho tác giả sáng kiến dựa trên nguyên tắc: Đối với đơn vị tự chủ về tài chính thì trích từ nguồn lợi do áp dụng sáng kiến trong năm đầu tiên mang lại hoặc trích từ quỹ thi đua, khen thưởng và nguồn kinh phí sự nghiệp của đơn vị. Đối với chủ đầu tư sáng kiến là đơn vị kinh tế hoặc đơn vị sự nghiệp có thu và hạch toán độc lập thì tính bằng 7% tiền làm lợi từ sáng kiến thu được mỗi năm (tính trong vòng 3 năm). Đối với sáng kiến không tính được tiền làm lợi thì trả tối thiểu 5 lần mức lương tối thiểu hoặc thù lao trả trong 3 năm kể từ ngày sáng kiến được công nhận cho mỗi lần chuyển giao sáng kiến là 15% giá chuyển giao. Bên cạnh chế độ thưởng sáng kiến, đơn vị đầu tư sáng kiến và tác giả sáng kiến phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về sáng kiến cho cơ quan quản lý hoạt động sáng kiến; tham gia triển khai áp dụng sáng kiến; giữ bí mật thông tin theo thỏa thuận với chủ sáng kiến và theo quy định của pháp luật…; hướng dẫn tác giả viết sáng kiến theo đúng trình tự các đề mục để thuận tiện cho các cơ quan chuyên môn nhận xét, đánh giá và quản lý sáng kiến. Các huyện, thành phố, các sở, ngành và đơn vị trực thuộc căn cứ vào quy định chuẩn bị nhân sự, tổ chức thành lập Hội đồng sáng kiến bao gồm những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung sáng kiến, đại diện tổ chức công đoàn, đại diện cơ quan quản lý sáng kiến và các thành phần khác có liên quan tiến hành xét duyệt sáng kiến để đảm bảo việc đánh giá, quyết định công nhận sáng kiến được chính xác, khách quan.
Với những nỗ lực của Sở KH và CN cùng các đơn vị liên quan trong việc triển khai Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quản lý sáng kiến trên địa bàn tỉnh Nam Định vào thực tế là điều kiện quan trọng để Hội đồng xét duyệt sáng kiến các cấp xem xét, đánh giá sáng kiến theo đúng trình tự, đảm bảo công bằng, khách quan, góp phần khơi dậy phong trào lao động sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên chức lao động trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của mỗi cơ quan, đơn vị doanh nghiệp phát triển./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương