Xuân Trường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

08:12, 02/12/2013

Huyện Xuân Trường có hơn 12 nghìn ha đất canh tác; gần 300 doanh nghiệp, 4 CCN tập trung và nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng với các sản phẩm cơ khí chế tạo, thủ công mỹ nghệ… Để hỗ trợ nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, UBND huyện đã thành lập hội đồng khoa học, tập trung hỗ trợ các xã, thị trấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển CN-TTCN theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ trong từng sản phẩm.

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại gia đình anh Bùi Văn Ba, xóm Nam Lạc, xã Xuân Ninh.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại gia đình anh Bùi Văn Ba, xóm Nam Lạc, xã Xuân Ninh.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Phòng Công thương, Trung tâm Phát triển công nghiệp, Trạm khuyến nông và các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp chuyển giao công nghệ, hướng dẫn các hộ dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Năm 2013, Phòng NN và PTNT huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về canh tác, chăn nuôi và nuôi thủy sản cho gần 5.000 lượt người dân; tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu các giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; trình diễn các loại máy nông nghiệp và các loại phân bón đa vi lượng thay thế cho phân hóa học thông thường tại các vùng canh tác đặc trưng của huyện, đồng thời xây dựng hàng chục mô hình các loại cây trồng, con giống mới vào sản xuất như nuôi tôm thẻ chân trắng, cá vược… Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình cấy khảo nghiệm giống lúa DQ111 tại xã Xuân Kiên; mô hình gieo mạ khay, cấy máy trong vụ mùa tại xã Xuân Đài; nuôi cá lăng chấm xã Xuân Vinh, cá hồng mỹ xã Xuân Hòa, chim bồ câu Pháp tại xã Xuân Ninh… Trong đó, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình ông Nguyễn Văn Thảo xóm Xuân Lạc, xã Xuân Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng bởi quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, tỷ lệ quay vòng vốn nhanh, nhu cầu thị trường lớn. Đến nay trên địa bàn huyện đã có hàng chục hộ nuôi chim bồ câu Pháp theo quy trình kỹ thuật do Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ chuyển giao. Cơ sở nuôi chim bồ câu của anh Bùi Văn Ba, xóm Nam Lạc, xã Xuân Ninh mới đi vào hoạt động được gần một năm nay nhưng đã cho thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng. Khởi nghiệp với gần 50 triệu đồng trên diện tích 200m2, anh Ba đã áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật nuôi, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và các điều kiện phù hợp với đặc tính của loài chim như sân chơi, vườn nghỉ, bể nước, chuồng trại thoáng đãng, sạch sẽ, nên đàn chim sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng sinh sản đều bình quân 40-45 ngày/lứa. Anh Ba còn cho chim làm quen với các loại thiên địch như mèo, rắn; bổ sung thêm sỏi, khoáng chất vào thức ăn, cho ăn đúng giờ để chim khỏe mạnh và hình thành thói quen gắn bó với chủ nhà, tránh hiện tượng mất mát trong quá trình nuôi thả. Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở nuôi bồ câu của anh cung ứng cho thị trường hàng trăm cặp chim thương phẩm. Anh Ba đang có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi và hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ lân cận, mở ra hướng làm giàu mới cho người dân nơi đây. Bên cạnh việc hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ khoa học tạo ra những sản phẩm cơ khí có hàm lượng chất xám cao đã thực hiện thành công ở ngành công nghiệp. Với sự vận dụng hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp KHCN, quỹ khuyến công và nguồn tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất, thời gian qua, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất, đầu tư công nghệ để sản xuất các sản phẩm mới đã thực hiện thành công, góp phần tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp đang trong giai đoạn đình trệ, đồng thời cũng mở ra hướng phát triển ổn định cho các doanh nghiệp. Trong đó Cty TNHH Đình Phú, CCN Thị trấn Xuân Trường đã chuyển đổi từ sản xuất máy thành phẩm sang các loại chi tiết, thiết bị thay thế như chân vịt, mỏ neo, vô lăng… phục vụ công nghiệp đóng tàu. Doanh nghiệp tư nhân Thành Trung chuyển hẳn sang nuôi trồng và chế biến nấm. Cty CP Thanh Bằng (CCN Thị trấn Xuân Trường) đã nghiên cứu chế tạo dây chuyền sản xuất gạch không nung. Cty TNHH Tân Thiên Phú, Cty TNHH An Thuận Phát với hệ thống máy nghiền rác thải, dây chuyền đóng bịch nấm; máy ép sinh khối từ nguyên liệu mùn cưa, vỏ trấu, bã mía, thân cây ngô… Đặc biệt năm 2013, huyện Xuân Trường đã tạo được dấu ấn trong phát triển KHCN với công tác tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm chế tạo đặc trưng; thành lập HTX KHCN thanh niên Xuân Trường. Với mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận và ứng dụng KHCN để phát triển sản xuất. Trên cơ sở đó, HTX đã tập hợp những thanh niên có niềm đam mê nghiên cứu khoa học cùng nghiên cứu, phát triển các ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thực tế; gắn nghiên cứu với phát triển thị trường và tư vấn cung cấp dịch vụ KHCN cho khách hàng theo dịch vụ thỏa thuận. Từ mô hình này, nhiều đề tài khoa học như: “Chế tạo dây chuyền đóng bịch nấm”; “Chế tạo máy thu gom và băm rơm, rạ trên đồng làm thức ăn chăn nuôi hoặc sử dụng chế phẩm sinh học ủ làm phân bón” và “Chế tạo máy nghiền thức ăn chăn nuôi” được các thành viên nghiên cứu và chuyển giao thành công cho các đơn vị trong các làng nghề cùng các trang trại, gia trại trong và ngoài huyện. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Xuân Trường đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng KHCN vào thực tiễn và hình thành thị trường KHCN với các doanh nghiệp nghiên cứu chuyên sâu và chế tạo các sản phẩm có hàm lượng KHCN cao.  

Mạnh dạn đổi mới tư duy trong tổ chức điều hành và thực hiện nhiệm vụ quản lý khoa học trên địa bàn, hoạt động KHCN đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện đạt 13,8% và trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com