Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Hải Hậu

08:12, 18/12/2013

Những năm qua, huyện Hải Hậu luôn là đơn vị đi đầu trong công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Để đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hội đồng khoa học công nghệ huyện đã định hướng, khuyến khích các đơn vị chức năng trên địa bàn xây dựng nhiệm vụ phát triển công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật bảo đảm phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, hằng năm các đơn vị chức năng đã xây dựng hàng trăm mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thuỷ sản để chọn lọc, bổ sung những giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất. Huyện đã nhân rộng mô hình trồng lúa sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương như NĐ5, VTNA2, CT17, CT16, TBR45, Nàng Xuân, Thiên Trường 750…; tổ chức hội thảo đầu bờ với sự tham gia của đại diện các HTXDVNN, bà con nông dân cùng trao đổi với cán bộ kỹ thuật về đặc tính, năng suất, chất lượng, quy trình chăm bón và so sánh với các giống đối chứng, từ đó nhanh chóng nhân rộng các mô hình, giống tốt vào sản xuất. Trạm Khuyến nông huyện xây dựng thành công mô hình sử dụng máy làm đất công suất trung bình tại 2 xã Hải Tân và Hải An. Áp dụng mô hình này vừa tiết kiệm chi phí 30-60 nghìn đồng/sào so với các máy làm đất công suất nhỏ, vừa đẩy nhanh tiến độ làm đất, bảo đảm thời vụ trồng cây vụ đông. Từ hiệu quả của mô hình, nông dân ở các xã trong huyện đã đầu tư mua mới hàng chục máy làm đất công suất trung bình phục vụ phát triển sản xuất. Vụ đông 2013, Phòng NN và PTNT huyện đã nhân rộng mô hình trồng ngô đông theo phương pháp làm đất tối thiểu trên diện tích 15ha tại 5 xã Hải Hưng (2ha), Hải Minh (2,5ha), Hải Đường (3ha), Hải Trung (3,5ha), Hải Phong (4ha). Các giống ngô LVN885, LVN99, HN45 có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn, chịu rét tốt nên rất thích hợp để trồng ở vụ đông trên đất 2 vụ lúa ở các xã trong huyện. Với ưu điểm tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư, giảm công lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống, lại tận dụng được lượng rạ sau thu hoạch để che cho cây ngô và khi đã hoai mục làm phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất, mô hình này đã nhanh chóng được nông dân đón nhận và nhân rộng trên toàn huyện.

Kiểm tra chất lượng giống cá mú sinh sản nhân tạo tại Cty TNHH Đài Hải, xã Hải Hòa (Hải Hậu).
Kiểm tra chất lượng giống cá mú sinh sản nhân tạo tại Cty TNHH Đài Hải, xã Hải Hòa (Hải Hậu).

Trong chăn nuôi và nuôi thủy, hải sản, nhiều mô hình được áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi an toàn sinh học theo quy mô trang trại của các xã Hải Đông, Hải Xuân; nuôi lợn công nghệ cao ở xã Hải Xuân; nuôi chim bồ câu Pháp ở các xã Hải Phú, Hải Lộc; nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp ở xã Hải Đường; nuôi thâm canh cá lóc bông tại xã Hải Hoà và nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hải Lý. Đặc biệt trong năm qua từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, Phòng Công thương huyện đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng, thực hiện nhiều dự án quy mô lớn với phạm vi ảnh hưởng rộng, giải quyết những vấn đề khó khăn trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Trong đó, dự án “Sinh sản nhân tạo giống cá mú theo công nghệ Đài Loan” do Cty TNHH một thành viên Đài Hải, xã Hải Hoà thực hiện đã tạo ra bước đột phá về công nghệ, giúp chủ động được nguồn giống ngay tại địa phương. Là loài cá tự chuyển đổi giới tính, thông thường lúc còn nhỏ là cá cái khi lớn chuyển thành cá đực nên quy trình sản xuất giống cá mú phải tuân thủ nguyên tắc ổn định môi trường nước, không khí để cá bố mẹ thích nghi với môi trường nuôi nhốt và được cung cấp các loại thức ăn tươi sống gồm cá nục, cá thu và nhiều tinh chất khác cá mới cho sinh sản. Bên cạnh đó, việc bảo đảm nhiệt độ và độ mặn của nước để đảm bảo cho trứng nở thành công và ương nuôi đến khi đủ tiêu chuẩn xuất bán đều rất khắt khe. Với việc sản xuất giống thành công tại địa phương đã góp phần hạ giá cá giống từ 17-20 nghìn/con cá giống nhập khẩu xuống còn 5 nghìn đồng/con; chất lượng đảm bảo do cá đã được thuần thục, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu lại không bị mất sức do quá trình vận chuyển xa nên cá sinh trưởng và phát triển tốt ngay khi nuôi thả. Do chủ động được nguồn giống, lại được thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng bởi thịt cá vị ngọt, thơm, thớ thịt dai, chứa nhiều khoáng chất, thích hợp khi chế biến những món ăn cao cấp nên người nuôi cá mú yên tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh quy mô lớn. Hiện tại, Cty TNHH một thành viên Đài Hải cung ứng con giống cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận với khoảng 20 triệu con giống mỗi năm. Cùng với sản xuất giống, trên địa bàn huyện còn thực hiện nhiều dự án như “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón đa dinh dưỡng” do Cty TNHH 27-7 thực hiện; dự án “Sản xuất muối ứng dụng công nghệ trải bạt HDPE” tại xã Hải Chính…

Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Hậu luôn phát triển bền vững với giá trị gia tăng cao. Năm 2013, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác của huyện Hải Hậu ước đạt trên gần 100 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng/ha so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 20 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com