Hải Bắc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống

09:10, 25/10/2013

Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, những năm qua, xã Hải Bắc (Hải Hậu) đã tập trung hỗ trợ nhân dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời khuyến khích người dân ứng dụng CNTT vào đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Truy cập internet phục vụ sản xuất của nhân dân xóm 4, xã Hải Bắc.
Truy cập internet phục vụ sản xuất của nhân dân xóm 4, xã Hải Bắc.

Xã Hải Bắc là địa phương có nhiều nghề phi nông nghiệp phát triển như dệt chiếu, vê đay, thêu ren xuất khẩu, may công nghiệp, sản xuất và kinh doanh gỗ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng… với tổng doanh thu từ ngành nghề đạt gần 30 tỷ đồng/năm. Trong lãnh đạo, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chú trọng hoạt động hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và TTCN nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, Ban Nông nghiệp xã đã xây dựng kế hoạch cấy 68% diện tích bằng giống lúa tám chất lượng cao làm sản phẩm hàng hóa và gần 40% diện tích còn lại cấy giống lúa lai để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời hướng dẫn nông dân chọn những giống cây trồng có tiềm năng năng suất, giá trị kinh tế cao, chuẩn bị các điều kiện sản xuất và tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật canh tác. Đảng uỷ, UBND xã giao cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, mô hình cấy lúa theo phương pháp làm đất tối thiểu được áp dụng thành công trên 30% diện tích của xã và tiếp tục được ứng dụng vào sản xuất một số cây trồng vụ đông chủ lực như khoai tây, ngô và bí xanh. Vụ đông 2013, nông dân trong xã đã trồng và thực hiện chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật cho 42ha cây rau màu các loại. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được xã đặc biệt quan tâm chỉ đạo. 100% các trang trại chăn nuôi, trồng trọt và cơ sở sản xuất thực hiện áp dụng đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh đối với môi trường, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tuân thủ đầy đủ lịch tiêm phòng và cơ chế báo dịch theo quy định; tổ chức rắc vôi bột khử trùng toàn bộ khu vực đường giáp ranh với các xã khác; khu vực chợ Đông Biên và phun thuốc phòng trừ kịp thời đối với khu vực có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh cao. Do đó, mặc dù đầu năm nay dịch lợn tai xanh xuất hiện trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận nhưng 25 trang trại nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong xã vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, xã chủ trương phát động khuyến khích mỗi gia đình có thêm một nghề ngoài trồng lúa để tăng thu nhập. Xã đã tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, đất đai và vốn vay để bà con nông dân đầu tư phát triển ngành nghề. Trung bình một năm, nhân dân trong xã vay gần 50 tỷ đồng từ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH và Quỹ Tín dụng nhân dân xã để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, riêng nghề dệt chiếu ở xóm Phương Đức đã có trên 250 khung dệt, thu hút hơn 900 lao động. Ngoài ra, các nghề thêu ren, khảm trai, may xuất khẩu, cơ khí, xây dựng... cũng phát triển ở hầu hết các thôn, xóm trong xã, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương vào thời điểm nông nhàn với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, xã Hải Bắc còn khuyến khích các đoàn thể, các đơn vị ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc hành chính hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đồng chí Trần Xuân Bang, trưởng xóm 4 cho biết: Từ năm 2012, xóm đã xây dựng website riêng, có cán bộ phụ trách, chọn lọc thông tin hữu ích có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân cập nhật lên website để định hướng và phổ biến thông tin cho nhân dân. Bên cạnh đó, trang web còn đăng tải thông tin nội bộ như lịch làm việc của các tổ chức hội, đoàn thể trong xã; thông báo lịch sản xuất… để nhân dân trong xóm biết và thực hiện. Nhờ có thông tin nhanh, đầy đủ nên mọi công việc của xóm khi triển khai đều nhận được sự góp ý, ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân trong xóm cũng như bà con xa quê hương. Để hỗ trợ phát huy hiệu quả trang web, xóm 4 đầu tư lắp đặt hệ thống wifi chất lượng cao, có độ phủ sóng lớn để nhân dân trong xóm làm quen với internet. Việc làm này đã được nhân dân trong xóm đồng tình ủng hộ. Đến nay, hơn 50% hộ dân xóm 4 có khả năng truy cập tìm kiếm và chia sẻ thông tin thành thạo trên internet, đã khai thác thông tin trên mạng để áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Nhiều kỹ thuật mới như đưa giống cây, con mới vào sản xuất; lựa chọn quy trình kỹ thuật thâm canh phù hợp với điều kiện tự nhiên, tìm hiểu thị trường để quyết định đầu tư, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, trang web của xóm còn là nơi giới thiệu, quảng bá thế mạnh và sản phẩm đặc trưng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xóm để thu hút đầu tư và phân phối sản phẩm. Gia đình chị Nguyễn Thị Phát làm nghề thiết kế nhà cổ gần 20 năm nay cho biết: Nghề làm nhà cổ “kén” khách nên rất cần đến thị trường lớn với tầm ảnh hưởng rộng. Mặc dù gia đình đã tạo được uy tín trong vùng nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao bởi vẫn lúng túng ở khâu quảng bá giới thiệu và trao đổi sản phẩm. Được ban điều hành website xóm 4 chụp ảnh, viết bài quảng bá sản phẩm của gia đình tôi trên mạng nên công việc kinh doanh của gia đình đã thuận lợi hơn rất nhiều. Nhiều hợp đồng kinh tế với các đối tác ở các tỉnh xa được trao đổi, giao dịch ngay trên mạng.

Nhờ mạnh dạn đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và đời sống nên bộ mặt nông thôn xã Hải Bắc đang đổi thay từng ngày, đời sống của người dân ngày càng văn minh, hiện đại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com