Giao Thủy ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế

08:10, 28/10/2013

Thực hiện nghị quyết của Huyện uỷ về đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao năng suất lao động và tạo ra những sản phẩm chủ lực mang giá trị gia tăng cao, những năm qua, huyện Giao Thủy đã tăng cường công tác quản lý khoa học và tập trung chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Kiểm tra chất lượng ngao sinh sản theo công nghệ Đài Loan tại Cty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy).
Kiểm tra chất lượng ngao sinh sản theo công nghệ Đài Loan tại Cty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy).

Hội đồng khoa học công nghệ của huyện được kiện toàn gồm những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm thực tế và tinh thần trách nhiệm cao, được phân công phụ trách theo từng lĩnh vực gắn với nghiệp vụ chuyên môn để phát huy vai trò trong việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học, giám sát các chương trình, dự án ứng dụng tiến bộ và chuyển giao công nghệ đạt hiệu quả cao nhất. Những năm qua, huyện Giao Thủy được phân bổ triển khai thực hiện và giám sát 7 dự án kinh tế; trong đó có 2 dự án quy mô cấp bộ và 2 dự án quy mô cấp tỉnh với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Các nhiệm vụ khoa học thực hiện trên địa bàn đã tập trung giải quyết những vấn đề lớn trong sản xuất ở địa phương như áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi; nhân giống, nuôi trồng và chăm sóc các loài thủy, hải sản theo phương pháp công nghiệp; áp dụng công cụ quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến nông, thủy sản và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng… Trong đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất muối sạch tại xã Bạch Long” do Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ muối biển chuyển giao với công nghệ sản xuất muối hiện đại từ quy trình chế biến, sấy muối tinh chất lượng cao thông qua các mô hình sản xuất muối sạch quy mô 22 nghìn tấn/năm và mô hình muối sấy quy mô 10 nghìn tấn/năm. Dự án đã tác động trực tiếp đến hơn 5.000 lao động địa phương và cộng đồng diêm dân ở cả 3 huyện ven biển của tỉnh. Triển khai thực hiện dự án, 4ha đồng muối ở xã Bạch Long đã được chọn để ứng dụng công nghệ sản xuất mới, đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để sản xuất muối sạch. Tham gia dự án, cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân vận hành dây chuyền của DNTN Thanh Đạm và các hộ dân trong vùng dự án được chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất muối sạch, chế biến muối tinh, hướng dẫn vận hành thiết bị và kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm muối; phổ biến kỹ thuật sản xuất muối biển và loại bỏ tạp chất trong muối. Ngay trong tháng 8-2013, DNTN Thanh Đạm đã đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất và cung ứng sản phẩm muối sạch ra thị trường. Trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, ngoài thành công từ việc ứng dụng công nghệ sản xuất các loại giống ngao, tôm, cá bống bớp, tu hài, huyện đang hỗ trợ một số đơn vị sản xuất giống và nuôi trồng thủy, hải sản ứng dụng quy trình nhân giống, nuôi thương phẩm ngao vạng theo phương pháp công nghiệp của Đài Loan để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Huyện phối hợp với Sở NN và PTNT hỗ trợ các cơ sở chế biến thủy, hải sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong đó, việc thực hiện thành công dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nước mắm Giao Châu” đã giúp người dân làng nghề tháo gỡ khó khăn trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chống lại việc lợi dụng thương hiệu sản phẩm làng nghề để trục lợi ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm chính gốc. Năm 2013, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã đăng ký thực hiện 6 nhiệm vụ khoa học gồm: “Ứng dụng công nghệ trong việc chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản” trên diện tích 17,3ha tại HTX muối Hòa Bình; “Ứng dụng quy trình VietGAP trong trồng cây vụ đông” tại HTXDVNN Giao Hà với tổng diện tích 42ha; “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh” do Cty CP Giống cây trồng Nam Định chủ trì thực hiện trên quy mô toàn huyện; “Ứng dụng công nghệ ép rung song động sản xuất gạch không nung từ nguyên liệu đá mạt” của Cty CP Công nghiệp - Thương mại Giao Thủy và dự án “Ứng dụng công nghệ phòng, chống sét dùng hệ kim truyền cho diêm dân xã Bạch Long”. Hiện tại, các nhiệm vụ khoa học đang được triển khai đúng tiến độ và mục đích, là mô hình điểm để các tổ chức, đơn vị và nhân dân trong huyện tham quan, học tập và áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành huyện quan tâm tổ chức phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở KH và CN, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh 4 nhóm hàng hóa là xăng, dầu, mũ bảo hiểm, thiết bị điện, điện tử, đồ chơi trẻ em và việc đảm bảo an toàn bức xạ tại các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh vàng bạc trên địa bàn; kiểm định, hiệu chuẩn các dụng cụ đo sử dụng trong y tế và giao dịch thương mại nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng gian lận thương mại. Hiệu quả quản lý và ứng dụng khoa học đã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất và giao dịch thương mại, góp phần để huyện Giao Thủy thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế. 9 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt 329 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 687 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; sản lượng thủy, hải sản đạt 27.745 tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế phát triển, huyện Giao Thủy tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; tận dụng mọi chương trình, nguồn vốn hỗ trợ chuyển giao công nghệ để xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, mở rộng phạm vi hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; tạo dấu ấn của khoa học công nghệ trong sự phát triển ở các lĩnh vực trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com