Nghề làm muối có ở cả 3 huyện ven biển của tỉnh là Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy với tổng diện tích hơn 800ha; thu hút gần 8.000 hộ tham gia với hơn 15 nghìn lao động.
Sản xuất muối theo phương pháp truyền thống ở đồng muối xã Bạch Long (Giao Thủy). |
Với đặc thù diện tích cánh đồng muối rộng, không được che chắn, chủ yếu chỉ sản xuất khi có nắng và thu hoạch muối ngay trong ngày nên người lao động thường phải chịu tác động trực tiếp của các hình thái thời tiết, bao gồm cả các hình thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm với con người. Đặc biệt khi mưa giông xảy ra vào cuối ngày, bà con “tiếc công lao động” lập tức đổ xô ra ruộng “cứu muối”, đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều sấm, sét, gặp môi trường dễ hấp thụ tia lửa điện nên hiện tượng sét đánh trên đồng muối thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đe doạ tính mạng của diêm dân. Theo nghiên cứu của ngành chức năng, địa hình và tính chất thổ nhưỡng khu vực ven biển tỉnh ta có nhiều yếu tố hấp dẫn tia lửa điện do giông sét. Trung bình mỗi năm, các cánh đồng muối của huyện Giao Thủy và Hải Hậu xảy ra ít nhất 3 lần sét đánh, làm chết người và phá hủy dụng cụ lao động, cháy kho muối. Trong tháng 6-2013, sét đánh trên đồng muối của huyện Hải Hậu đã làm cháy hoàn toàn 2 kho muối. Để hỗ trợ diêm dân, giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở KH và CN đã phối hợp với Viện Khoa học năng lượng (Bộ KH và CN) nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác hại và phòng, chống sét cho đồng muối. Chọn cánh đồng muối huyện Hải Hậu làm địa bàn nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất nhiều giải pháp làm giảm thiểu tác hại do thời tiết và phòng, chống sét trên đồng muối như: giải pháp dựa vào dự báo thời tiết để lập kế hoạch làm việc; nghe, nhìn hiện tượng thời tiết để tìm cách tránh trú an toàn; dự báo định vị và cảnh báo sét sớm; chống sét bằng dây thu sét, hệ thống cột chống sét và nhà tránh trú sét… Trên cơ sở các giải pháp được đề xuất, Sở KH và CN đã chọn giải pháp xây dựng hệ thống thu, chống sét dùng hệ kim truyền do Viện Khoa học năng lượng chuyển giao để hỗ trợ diêm dân. Dự án được triển khai thực hiện tại đồng muối xã Bạch Long (Giao Thủy). Đây là xã có diện tích làm muối tập trung lớn nhất tỉnh với 217ha. Hệ thống thu, chống sét bao gồm cột thu sét (kim thu sét, dây thoát sét và cột tiếp đất tiêu sét) và nhà chống sét được xây dựng trên diện tích 20ha tại khu vực đồng muối và dọc đường từ đồng muối về các dong ngõ. Cột thu sét được trồng dọc theo đồng muối có chiều cao tối thiểu 13,5m, mỗi cột cách nhau 50m. Cột thu sét trên các dong ngõ cao tối thiểu 8,5m, trồng so le 2 bên đường, cách nhau 24m để đảm bảo tầm bao quát ảnh hưởng của sét và đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong tầm thu. Hệ thống kim truyền chống sét, nhà tránh trú sét được xây dựng trên đồng muối, cứ 5ha có một nhà để tiện cho diêm dân nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn khi có giông sét xảy ra. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ địa phương làm đường, nhà trú ẩn, đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến cách sử dụng, bảo vệ hệ thống kim truyền, nhà tránh trú sét; đặc tính của hiện tượng sét đối với môi trường xung quanh; tác hại của sét đối với tài sản, tư liệu sản xuất và tính mạng con người; cách chủ động phòng, chống, giảm nhẹ tác hại của sét; biện pháp cấp cứu người và vật nuôi khi bị sét đánh… Qua công tác tuyên truyền đã giúp diêm dân chủ động phòng, chống sét, tránh tâm lý hoang mang khi có sét. Chị Nguyễn Thị Vinh, xã viên HTX muối cá Bạch Long cho biết: Từ khi áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ chống sét, chúng tôi rất yên tâm khi sản xuất.
Ứng dụng công nghệ phòng, chống sét trên đồng muối là mô hình cần được nhân rộng trên các cánh đồng muối trong toàn tỉnh, giúp diêm dân yên tâm sản xuất, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng ven biển. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ kim truyền chống sét trên đồng muối cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương bởi giá trị đầu tư tương đối cao, trong khi thu nhập của diêm dân còn thấp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương