Quan tâm quy hoạch hạ tầng viễn thông

08:09, 10/09/2013

Trước đây công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Mỗi doanh nghiệp xây dựng một hạ tầng mạng riêng; trạm thu phát sóng dày đặc, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng phát triển tự phát. Tình trạng này đã dẫn đến sự chồng chéo trong sử dụng hạ tầng giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa ngành viễn thông với các ngành khác, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng hạ tầng mạng lưới, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và bảo đảm phát triển bền vững hệ thống hạ tầng viễn thông, ngày 22-10-2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2148/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020”. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung phát triển mạng chuyển mạch theo phương án kết hợp: giữ nguyên công nghệ hiện tại, lắp đặt bổ sung thiết bị mới; phát triển, xây dựng mạng theo mô hình mạng theo hướng hội tụ với truyền thông bằng công nghệ mạng thế hệ mới - NGN (Next Generation Network). Mạng NGN cho phép triển khai các nhà khai thác cung cấp các dịch vụ đa dạng với giá thành thấp, giảm thiểu thời gian đưa dịch vụ mới ra thị trường; nâng cao hiệu suất sử dụng truyền dẫn. Đồng thời, NGN cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường khả năng kiểm soát, bảo mật thông tin của khách hàng. Ngay trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010, các doanh nghiệp đã không phát triển hệ thống các tổng đài chuyển mạch cũ mà chuyển sang triển khai các dịch vụ mới, chủ yếu là các dịch vụ internet băng rộng và các dịch vụ ứng dụng; tiến hành lắp đặt các thiết bị hội nghị truyền hình tại các trung tâm hội nghị cấp tỉnh, huyện, tối ưu hoá dung lượng tại các điểm chuyển mạch cũ. Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đang dần tiến hành thay thế toàn bộ các tổng đài hiện có trên mạng bằng các tổng đài chuyển mạch đa dịch vụ Multisevice Access, để vừa chuyển đổi các thuê bao cũ, vừa phát triển các điểm chuyển mạch mới, tiến hành thay thế các tổng đài trung tâm bằng tổng đài đa dịch vụ băng rộng Multisevice Switch đặt tại trung tâm Thành phố Nam Định. Tại mạng truyền dẫn, các doanh nghiệp đã thực hiện “cáp quang hóa” trên phạm vi toàn tỉnh, phát triển cáp quang đến tất cả các trạm viễn thông, trạm truy nhập, các tuyến cáp quang nội tỉnh có dung lượng trên 622Mbps, vòng RING chính nội tỉnh dung lượng trên 2,5Gbps. Hệ thống cáp quang được thay thế dần bằng cáp đồng, trong đó chú trọng đẩy nhanh cáp quang đến trung tâm xã. Về mạng ngoại vi, ngay từ năm 2010, các doanh nghiệp viễn thông đã quan tâm “ngầm hoá” mạng cáp nên hiện nay tại hầu hết các tuyến phố trung tâm, các khu, CCN, các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn thành "ngầm hoá" mạng cáp và đang đẩy nhanh tại trung tâm các huyện, các thị trấn, các khu, CCN nông thôn. Dự kiến đến năm 2015, sẽ hoàn tất “ngầm hóa” 100% mạng cáp toàn tỉnh. Mạng thông tin di động được tập trung phát triển theo hướng mở rộng vùng phủ sóng, đến năm 2010 đã phủ sóng toàn tỉnh. Tại trung tâm thành phố, KCN, khu đô thị thực hiện theo quy định bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa hai cột trạm phát sóng là 400-500m và từ 1-1,5km ở khu vực nông thôn.

Cán bộ Sở TT và TT phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn quy định sử dụng hạ tầng viễn thông cho nhân dân các huyện ven biển.
Cán bộ Sở TT và TT phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn quy định sử dụng hạ tầng viễn thông cho nhân dân các huyện ven biển.

Từ năm 2008 đến năm 2010 quy hoạch bổ sung thêm 200 trạm BTS, bán kính phục vụ bình quân 1,05km/trạm; từ năm 2011 đến năm 2015 dự kiến trên địa bàn toàn tỉnh sẽ hoàn tất đầu tư thêm 70 trạm BTS, bán kính phục vụ bình quân 0,98 km/trạm. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất sử dụng chung cơ sở hạ tầng và tăng dung lượng các trạm thu phát sóng di động BTS. Đối với mạng internet, từ năm 2008 đến 2010 đã phát triển mạnh thiết bị truy nhập DSLAM ở khu vực Thành phố Nam Định và trung tâm các huyện; tổng dung lượng lắp đặt đến 2010 là 83.063 port (cổng) đảm bảo số lượng thuê bao tăng. Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đã tập trung phát triển mạnh thiết bị truy nhập DSLAM ở khu vực nông thôn; dự kiến đến năm 2015, tổng dung lượng lắp đặt là 268.613 port. Tiêu biểu trong công tác đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh là VNPT Nam Định. Trong những năm qua, VNPT Nam Định luôn tập trung các giải pháp đẩy mạnh công tác tối ưu, hợp lý hoá mạng ngoại vi, hệ thống IP-DSLAM, MSAN; dồn ghép thiết bị tổng đài E10 tại Thành phố Nam Định và các huyện. Mạng lưới liên tục được đầu tư mở rộng có trọng tâm. Từ năm 2012, VNPT Nam Định đã đưa vào khai thác mạng truyền dẫn số liệu chuyên dùng giai đoạn 2 phục vụ các hội nghị trực tuyến của tỉnh với Chính phủ, các bộ, ban, ngành, UBND tỉnh. Hiện nay, VNPT Nam Định đang tiếp tục mở rộng mạng truyền dẫn; triển khai dự án đầu tư 150 trạm BTS 3G, nâng tổng số trạm BTS các loại (bao gồm cả 2G và 3G) lên trên 500 trạm phủ kín tất cả các vùng, miền trên toàn tỉnh và tạo ra một xa lộ thông tin đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, CNTT của nhân dân trên địa bàn. Chính vì vậy, chất lượng các dịch vụ viễn thông của VNPT Nam Định luôn được duy trì ổn định và ngày càng được nâng cao; bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống và phục vụ tốt công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, được lãnh đạo tỉnh và nhân dân đánh giá cao.

Tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông theo quy hoạch đã từng bước khắc phục được những bất cập, tồn tại và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông khi cung cấp đến khách hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, trong lĩnh vực phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông thụ động (nhà, trạm máy; cống, bể cáp; cột ăng ten; cột dây thông tin) vẫn còn nhiều hạn chế như: nhận thức chưa thống nhất; cơ chế, chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… còn chưa đồng bộ. Để tiếp tục phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững, ngày 21-6-2013, Bộ TT và TT đã ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT về hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương, có hiệu lực từ ngày 15-8-2013. Thông tư quy định quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động gồm có những công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng; cột ăng ten; cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh phải bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác tại địa phương và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. Sở TT và TT đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập dự thảo kế hoạch triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của địa phương, chuẩn bị hoàn tất các điều kiện trình UBND tỉnh. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của tỉnh để các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai hạ ngầm cáp viễn thông và chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten trên cơ sở bảo đảm hiệu quả việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, an toàn và cảnh quan môi trường tại địa phương./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com