Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất: Nhịp cầu nối khoa học với nhà nông

08:09, 03/09/2013

Trong 5 năm trở lại đây, nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) mới đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, là cầu nối giữa các nhà khoa học với nông dân.

Với chức năng xây dựng mô hình chuyển giao, hướng dẫn nông dân ứng dụng TBKT mới vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) (Sở NN và PTNT) và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH và CN), đã nỗ lực chọn lựa công nghệ, tìm kiếm những phương pháp canh tác mới có khả năng thích ứng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của người dân địa phương, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hoá có tính cạnh tranh cao, đảm bảo ATVSTP và bảo vệ môi trường. Là cơ quan nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN đã tiến hành khảo sát trình độ thâm canh và quy trình kỹ thuật áp dụng phổ biến trong sản xuất để tìm kiếm công nghệ phù hợp nhằm giải quyết những vướng mắc hạn chế trong quá trình sản xuất. Trung tâm cũng đẩy mạnh liên kết với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật Trung ương để triển khai các đề tài, dự án và xây dựng nhiều mô hình chuyển giao TBKT mang tính đột phá, định hướng công nghệ như: sử dụng chế phẩm nấm có ích trong bảo vệ thực vật; xử lý rơm, rạ thành phân hữu cơ; sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật bón qua lá; sản xuất chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp và bảo vệ môi trường... Những mô hình này được nhân rộng đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, giải quyết được điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng và hủy hoại tài nguyên đất...  

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) kiểm tra mô hình ứng dụng nấm có ích trong bảo vệ cây màu vụ đông tại xã Nam Dương (Nam Trực).
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) kiểm tra mô hình ứng dụng nấm có ích trong bảo vệ cây màu vụ đông tại xã Nam Dương (Nam Trực).

Là đơn vị trực tiếp xây dựng mô hình TBKT mới vào sản xuất theo cách “cầm tay chỉ việc”, hệ thống KN-KN trong tỉnh đã làm tốt chức năng là cầu nối cho người nông dân tiếp cận và ứng dụng TBKT. Đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Nhiệm vụ chuyển giao TBKT trực tiếp cho nông dân đòi hỏi phương pháp chuyển giao phải hiệu quả, sản phẩm khoa học nhanh chóng đưa ra sản xuất đại trà. Do đó, cán bộ khuyến nông trong tỉnh đã dày công rút kinh nghiệm qua từng mô hình, từng vụ. Ngoài việc hướng dẫn nông dân làm đúng phương pháp kỹ thuật, để tăng tính thuyết phục của các mô hình chuyển giao, Trung tâm đã mời tác giả quy trình công nghệ mới hoặc các chuyên gia đầu ngành tham gia vào việc chuyển giao để họ phân tích rõ cho nông dân về ưu, nhược điểm của công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi mới giúp nông dân lựa chọn, quyết định. Trung bình mỗi năm, hệ thống khuyến nông trong tỉnh xây dựng 20 mô hình chuyển giao TBKT cấp tỉnh và 200 mô hình cấp huyện; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân; in và phát hàng chục nghìn bản hướng dẫn về quy trình kỹ thuật sản xuất cây trồng, con nuôi mới. Trong 7 tháng đầu năm 2013, Trung tâm KN-KN tỉnh đã tổ chức 18 mô hình chuyển giao TBKT cho nông dân; trong đó khảo nghiệm, trình diễn 20 giống lúa lai và lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt và kháng được bệnh bạc lá để bổ sung vào tập đoàn giống lúa của tỉnh, thay thế những giống cũ đã thoái hoá; triển khai 3 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Đồng thời đưa các con giống mới vào sản xuất như: nuôi tôm càng xanh ở Giao Thịnh (Giao Thủy), cá sủ đất ở Bạch Long (Giao Thủy), cá hồng mỹ ở Xuân Hòa (Xuân Trường), nuôi ghép cua đồng và cá trạch đồng tại huyện Vụ Bản. Trung tâm còn tổ chức 311 lớp tập huấn phổ biến kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản cho nông dân toàn tỉnh.

Từ sự nỗ lực vào cuộc của ngành chức năng trong việc xây dựng mô hình chuyển giao TBKT mới ở cả lĩnh vực định hướng công nghệ và trực tiếp sản xuất đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ sản xuất và tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của nông dân trong quá trình sản xuất nông sản sạch quy mô hàng hóa, gắn kết sản xuất với thị trường, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Qua xây dựng mô hình chuyển giao TBKT, thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hình thành với các hoạt động cung cấp thông tin khoa học công nghệ, tư vấn công nghệ, TBKT mới. Đặc biệt đã xuất hiện và gia tăng xu hướng các HTXDVNN, hiệp hội chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản "đặt hàng" các nhà nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu khoa học chuyển giao TBKT tìm ra giải pháp kỹ thuật công nghệ mới khắc phục khó khăn trong quá trình sản xuất và tập huấn, phổ biến kiến thức khoa học theo nhu cầu của từng tổ chức. Nhờ đó, sự gắn kết giữa nghiên cứu và chuyển giao TBKT đã đi vào thực tế, giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều công nghệ đã được áp dụng thành công trên quy mô lớn tại các vùng sản xuất theo "đơn đặt hàng" như quy trình công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật một số cây trồng (khoai tây, lan hồ điệp, chuối tiêu hồng); sinh sản nhân tạo các loại giống thuỷ sản (ngao, cá bống bớp, cá rô đồng); công nghệ nuôi gối vụ cá hồng mỹ; quy trình chữa các bệnh ký sinh trùng trên cá nước ngọt truyền thống bằng phương pháp dân gian… Ông Đặng Văn Việt, Chủ nhiệm CLB nuôi thủy sản xã Hiển Khánh (Vụ Bản) cho biết: Để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản và chủ động thị trường tiêu thụ sản phẩm cá nước ngọt truyền thống, Ban chủ nhiệm CLB đã đề nghị Trung tâm KN-KN tỉnh và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt theo quy trình VietGAP, nuôi thử nghiệm các con giống mới như cá rô đầu vuông, cá trạch đồng và hỗ trợ đưa chế phẩm sinh học Vixuara vào xử lý môi trường trang trại, ao nuôi. Qua đó, các thành viên CLB đã mạnh dạn mở rộng sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng TBKT vào thực tế sản xuất.

Để tiếp tục làm tốt vai trò là cầu nối giữa các nhà khoa học với nông dân, phát huy tối đa kết quả các dự án, đề tài công trình nghiên cứu, các đơn vị chức năng đang nỗ lực tăng cường tiềm lực về cơ sở hạ tầng để có thể xây dựng mô hình chuyển giao TBKT một cách đồng bộ. Nâng cao năng lực đánh giá hiện trạng và thẩm định mô hình ứng dụng TBKT, đảm bảo khả năng thích ứng cao trước khi chuyển giao để nhân rộng. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ chuyển giao TBKT đến với nông dân thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và tập huấn kỹ năng mềm như xây dựng mô hình, thuyết trình các giải pháp khoa học kỹ thuật, tư vấn công nghệ… giúp nông dân hiểu cặn kẽ quy trình, áp dụng vào thực tế sản xuất./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com