Vụ Bản tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp

08:07, 20/07/2013

Trong hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Vụ Bản đã đẩy mạnh hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật (KHKT), tổ chức tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp và thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH-HĐH, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trạm Khuyến nông huyện đã chủ động lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật có khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà để tổ chức khảo nghiệm, xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ở các xã, thị trấn trong huyện, đồng thời liên kết với các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cây, con giống, thức ăn gia súc, gia cầm… xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho người dân tham khảo, học tập. Tham gia vào hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, còn có các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thông qua các chương trình liên kết, tập huấn chuyên đề cho đoàn viên, hội viên. Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp tổ chức gần 100 lớp tập huấn cho hơn 9.000 lượt người. Trong đó khuyến khích mỗi xã xây dựng NTM có một mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và hỗ trợ  tham gia các lớp tập huấn chuyên đề bảo vệ thực vật, chăn nuôi an toàn sinh học tại Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và các Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi thuộc các Bộ NN và PTNT, KH và CN… Trong năm 2012, từ nhiều nguồn hỗ trợ, cả 6 xã, thị trấn xây dựng NTM trên địa bàn huyện đều xây dựng được các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Xã Minh Tân xây dựng mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu; các xã Trung Thành, Minh Thuận, Minh Tân, Liên Minh xây dựng mô hình CĐML và khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao; xã Hiển Khánh, Thị trấn Gôi với mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp, sinh sản cá rô đầu vuông và mô hình sử dụng chế phẩm EM vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Hầu hết các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đều có tính thích ứng cao với thực tế sản xuất. Trong đó, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM để bảo vệ môi trường trong sinh hoạt và sản xuất do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) chuyển giao đã mang lại hiệu quả cao có công dụng khử mùi hôi chuồng trại; phân hủy các chất hữu cơ, thức ăn dư thừa và các chất độc hại như NH3, NO2 có trong ao, hồ nuôi thủy sản... Đặc biệt, việc sử dụng chế phẩm EM để khử mùi ở bãi rác tập trung của Thị trấn Gôi đã cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Chị Phạm Thị Tâm, tổ trưởng tổ thu gom rác của thị trấn cho biết, rác thải sau khi đã phân loại, phun trực tiếp chế phẩm EM vừa giảm mùi khó chịu, vừa phân huỷ nhanh, có thể dùng làm phân bón và đặc biệt tốt cho việc cải tạo đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Từ mô hình xử lý mùi ở bãi rác, đến nay, chế phẩm EM được hầu hết các hộ chăn nuôi, chế biến bún, bánh và nhiều gia đình sử dụng. Hiện tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã cung ứng chế phẩm gốc cho tổ thu gom rác và cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm để xử lý mùi hôi chuồng trại, hầm biogas, nước thải sinh hoạt trên địa bàn. Đây là chuyển biến quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường góp phần thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng NTM.

Nông dân xã Quang Trung sử dụng thí điểm phân bón dạng lỏng MV-L bón cho cây ngô đông.
Nông dân xã Quang Trung sử dụng thí điểm phân bón dạng lỏng MV-L bón cho cây ngô đông.

Đối với cây màu vụ đông, mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu ở vụ đông năm 2012 được chuyển giao thành công cho nông dân xã Minh Tân với năng suất đạt 500kg/sào. Ngoài ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống như: năng suất tăng 27%, giảm 50% công lao động trong khâu làm đất, thu hoạch, hiệu quả kinh tế tăng từ 13-58%, phương pháp này còn giúp nông dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, không phải đốt bỏ gây lãng phí và ô nhiễm không khí, góp phần làm tăng độ phì cho đất, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp. Đặc biệt, kỹ thuật mới này phù hợp với điều kiện canh tác quy mô hộ gia đình. Từ thành công này, huyện Vụ Bản đang chuẩn bị các điều kiện mở rộng diện tích trồng cây khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu ra tất cả các xã, thị trấn có đủ điều kiện. Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Cty TNHH MiWon Việt Nam xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ MV-L dạng lỏng trên cây ngô vụ đông. Sử dụng phân bón dạng lỏng MV-L có thể thay thế hoàn toàn đạm urê, một phần lân và kali so với cách canh tác truyền thống, với quy trình bón lót trước khi xuống giống và bón thúc lần 1 khi cây ngô có từ 4-5 lá và bón thúc lần 2 lúc cây ngô có 7-9 lá kết hợp với bổ sung lượng kali, nhổ cỏ, vun gốc để tăng hiệu quả của phân bón. Vụ đông 2012, thời tiết khô, ít mưa, nhiệt độ cao nên các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển mạnh ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng; một số giống cây còn bị giảm năng suất, nhưng 30ha ngô bón phân MV-L dạng lỏng không có triệu chứng sâu bệnh, năng suất trung bình tăng 1,15 tấn/ha, chi phí sản xuất cây ngô giảm 735.000 đồng/ha so với cách canh tác thông thường. Ngoài hiệu quả kinh tế, phương pháp bón phân dạng lỏng còn làm cho đất tơi xốp và khả năng tái tạo đất. Qua hiệu quả kiểm chứng của mô hình trình diễn, huyện Vụ Bản đã tổ chức nhân rộng sản xuất đại trà trong vụ đông 2013 nhằm giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất cho cây trồng vụ đông. Đồng chí Phạm Thị Thu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: "Hằng năm, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức xây dựng 4-6 mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tập trung sản xuất lúa, cây màu vụ đông và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP". Hiện, trang trại nuôi gà đẻ của gia đình anh Trần Hồng Kỳ ở xã Minh Tân là một trong 2 trang trại nuôi gà đầu tiên của tỉnh đảm bảo 13 nội dung cơ bản của chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Ngoài các mô hình trình diễn, Trạm Khuyến nông huyện đang tiến hành nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong khâu chăm bón để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác của huyện.

Việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT đã tạo nên sự chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện Vụ Bản. Thu nhập bình quân trên một ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 90,78 triệu đồng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng đa dạng, phù hợp, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông dân; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM ở các xã, thị trấn trong huyện./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com