Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp

08:07, 24/07/2013

Nằm ở khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh ta không chỉ có đất đai màu mỡ, nông dân có trình độ thâm canh cao, mà còn có lợi thế lưu thông sản phẩm với các thị trường lớn. Xác định được thế mạnh này, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất nông nghiệp. Đây là xu thế tất yếu nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy quá trình chuẩn bị các điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.  

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) hướng dẫn nhân dân xã Nam Vân (TP Nam Định) xử lý rơm, rạ thành phân bón phục vụ sản xuất.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) hướng dẫn nhân dân xã Nam Vân (TP Nam Định) xử lý rơm, rạ thành phân bón phục vụ sản xuất.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ, Sở KH và CN đã chủ động phối hợp với Sở NN và PTNT xây dựng nhiều mô hình nghiên cứu chuyển giao CNSH về canh tác, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng vào sản xuất góp phần quan trọng gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của tỉnh. Một trong những đột phá ứng dụng CNSH vào thực tiễn với quy mô lớn là đưa các giống lúa lai vào gieo trồng thay thế các giống lúa thuần có năng suất thấp. Đến nay, trên 50% diện tích cấy lúa của tỉnh đã được trồng các giống lúa lai, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn lúa thuần 1,2-1,5 tấn/ha. Đặc biệt tỉnh ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa lai thương phẩm với năng suất bình quân đạt 23,3 tạ/ha, sản lượng lúa giống đạt 6.660 tấn, góp phần chủ động được 20-25% nhu cầu giống lúa lai hằng năm của tỉnh. Giống lúa lai F1 có chất lượng cao không thua kém các sản phẩm nhập ngoại. Bên cạnh đó, các cơ sở đã chủ động sản xuất được giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; chủ động sản xuất được giống nấm cấp I, II, III. Trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất giống đã làm chủ công nghệ sinh sản nhân tạo 20 đối tượng giống con nuôi thủy sản ở cả vùng nước mặn, ngọt và lợ. Trong đó, Trung tâm Giống thủy đặc sản (Sở NN và PTNT) đã thực hiện thành công phương pháp sinh sản và chọn lọc cá rô phi đơn tính. Nắm được đặc tính của cá rô phi là con đực lớn nhanh và có trọng lượng lớn hơn con cái trong cùng một thời gian nuôi, Trung tâm đã sử dụng hoocmon để chuyển đổi giới tính của cá rô phi cái thành cá đực khi cá được 21 ngày tuổi. Áp dụng thành công CNSH trong chuyển đổi giới tính cá rô phi đã mở ra hướng mới trong sản xuất con giống chất lượng, không nhiễm kháng sinh, tốc độ sinh trưởng nhanh. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) là đơn vị “mũi nhọn” trong việc ứng dụng và chuyển giao CNSH vào thực tế sản xuất. Với đội ngũ kỹ sư có nhiều kinh nghiệm và hệ thống cơ sở vật chất thiết yếu đồng bộ phục vụ phát triển CNSH gồm: Phòng thí nghiệm, phòng nuôi cấy mô, nhà lưới và các loại máy chuyên dụng phục vụ sản xuất nguyên liệu trong ứng dụng CNSH, Trung tâm đã nghiên cứu thành công các công nghệ: nuôi cấy mô tế bào thực vật nhân giống cây trồng với số lượng lớn, đồng đều về mặt di truyền. Từ đó, Trung tâm đã chủ động được nguyên liệu để lai tạo ra các "con lai" tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: khoai tây, lan hồ điệp, chuối tiêu hồng…; đồng thời phục tráng, bảo tồn các giống cây trồng bị thoái hóa; sản xuất chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong 2 năm 2012 và 2013, Trung tâm đã phối hợp với Cty CP Công nghệ sinh học (Bộ KH và CN) áp dụng thành công mô hình ứng dụng chế phẩm Fito - Biomix RR chế biến rơm, rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất. Sau 20-30 ngày ủ chế phẩm sinh học, rơm, rạ sẽ phân hủy trở thành phân hữu cơ vi sinh dùng bón lót gối vụ hoặc bón cho cây trồng vụ đông. Ưu điểm của phân hữu cơ vi sinh là sau khi ủ sẽ tiêu diệt các nguồn bệnh tàn dư, bón cho đất trước khi gieo trồng sẽ tăng lượng hữu cơ, nâng cao độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp, tiết kiệm chi phí mua phân hóa học, giúp cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng và hạn chế tác động xấu đến môi trường. Công nghệ xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân hữu cơ đạt chỉ tiêu kỹ thuật về hàm lượng đạm, lân, kali và khoáng chất… đã được Trung tâm Ứng dụng KH và CN chuyển giao cho nông dân tại HTX Tân Phú, xã Lộc Hòa và xã Nam Vân (TP Nam Định). Hiện tại, Trung tâm đang tiến hành nghiên cứu triển khai các dự án CNSH mang tính đột phá phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau, quả an toàn”; “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống và phát triển hoa lan hồ điệp”; "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại Nam Định" và "Hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học trừ rầy nâu hại lúa tại Nam Định" với tổng kinh phí từ ngân sách Trung ương gần 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ứng dụng CNSH vào sản xuất ở tỉnh ta vẫn chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và mới dừng ở việc xây dựng các mô hình ứng dụng CNSH mà chưa nhân ra đại trà, chưa tạo được những sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao bằng kỹ thuật tiên tiến. Để tiếp tục phát triển nhanh việc ứng dụng CNSH vào thực tế sản xuất, thời gian tới các ngành chức năng và các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trước mắt, ưu tiên xây dựng mô hình đầu tư cho các sản phẩm nông nghiệp như giống khoai tây, thủy sản, phân vi sinh... và xây dựng lộ trình cụ thể cho các sản phẩm nông nghiệp để có hướng đầu tư trọng điểm, bền vững. Công tác nghiên cứu cần tập trung chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; nghiên cứu phát triển các quy trình công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp... Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, tỉnh ta sẽ hình thành 13 vùng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy có 2 vùng với tổng diện tích 445ha; 4 vùng sản xuất lợn giống, chăn nuôi công nghiệp và chế biến thịt lợn với diện tích 60ha tại các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng; 2 vùng sản xuất giống lúa tại xã Trực Hùng (Trực Ninh) và xã Xuân Ninh (Xuân Trường) với diện tích 350ha và 5 vùng sản xuất hoa cao cấp và rau an toàn VietGap ứng dụng công nghệ cao quy mô 255ha tại các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Giao Thủy, Ý Yên và Thành phố Nam Định./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com