Hải Tân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

08:07, 09/07/2013

Xã Hải Tân (Hải Hậu) là vùng quê thuần nông với gần 80% lao động nông nghiệp nhưng diện tích đất canh tác ít nên yêu cầu tăng hệ số sử dụng đất, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác được Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo với các biện pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đẩy mạnh thâm canh.

Nông dân xã Hải Tân chăm sóc bí xanh sớm.
Nông dân xã Hải Tân chăm sóc bí xanh sớm.

Để tạo điều kiện cho nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xã Hải Tân đã sớm triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong quá trình DĐĐT, xã đã tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Đến nay, xã đã đổ bê tông 8km đường giao thông nội đồng, mặt đường rộng 2-2,5m, thuận tiện cho phương tiện cơ giới liên thông để tổ chức sản xuất và thu mua nông sản ngay tại ruộng. Năm 2012, HTXNN đã đầu tư 300 triệu đồng mua máy làm đất cỡ lớn góp phần đẩy nhanh tiến độ làm đất. Ngoài ra HTX còn hỗ trợ 1 phần kinh phí cho các thôn, đội sản xuất tu bổ bờ vùng, bờ thửa, khơi thông dòng chảy; hỗ trợ bơm, tát nước cho diện tích trồng cây vụ đông với số tiền hàng chục triệu đồng mỗi năm. Với vai trò nòng cốt trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, HTX đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa, cây màu vụ đông, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chăn nuôi cho nông dân. Qua các kênh hỗ trợ dạy nghề nông nghiệp ngắn hạn và dài hạn của các tổ chức hội, đoàn thể đã có trên 50% lao động nông nghiệp trong độ tuổi đã được đào tạo, là điều kiện quan trọng trong việc áp dụng và nhân rộng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Năm 2012, HTXNN Hải Tân đã xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích 60ha và cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, gieo mạ, đến cấy và thu hoạch. Ngoài hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm ngày công lao động, mô hình còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, từng bước hình thành tác phong lao động công nghiệp. Bên cạnh đó, HTXNN đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện và các Cty giống cây trồng trong khu vực tổ chức cấy khảo nghiệm nhiều giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng cao và khả năng thích nghi tốt như: P376, GL107, SH18, J01... để lựa chọn giống lúa phù hợp với địa phương đưa vào sản xuất đại trà. Trong đó, mô hình cấy lúa chất lượng cao ĐS1 trên diện tích 10ha đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với sản lượng đạt 80 tấn lúa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Toàn bộ số lúa ĐS1 được Cty An Đình (Hà Nội) thu mua và xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Trong sản xuất cây màu vụ đông, được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, Trạm Khuyến nông huyện, xã đã lựa chọn thành công giống cải dầu chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà giúp nông dân chủ động được nguồn giống; nắm chắc quy trình kỹ thuật thâm canh góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Vụ đông năm 2012, xã đã mở rộng diện tích trồng bí xanh sớm trên diện tích đất 2 vụ lúa để nâng cao thu nhập cho nông dân. Với phương pháp gieo hạt bí xanh vào bầu và đưa ra ruộng trồng ven bờ hoặc rẽ lúa đặt bầu bí xanh ngay khi lúa mới trỗ để đến khi gặt lúa bí đã lên xanh tốt, cho thu hoạch quả sớm hơn cách làm trước đây từ 20-30 ngày. Nhờ thu hoạch quả sớm, năng suất cao nên bình quân 1 sào bí xanh cho thu nhập 1 triệu đồng và nông dân có thời gian quay vòng vụ hai, vụ ba. Do đó, trong tổng số gần 17ha bí xanh của xã trồng trong vụ đông đã có hơn 7ha bí xanh trồng trên bờ cho bò xuống ruộng. Từ hiệu quả cây bí xanh, phong trào trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa ở Hải Tân phát triển mạnh. Nhiều đội sản xuất có diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa lớn như đội 6 ba năm liền trồng được 100% diện tích, đội 5 trồng trên 80% diện tích, đội 7 trồng trên 80% diện tích... Toàn xã có trên 150 hộ trồng từ 5 sào cây vụ đông trên đất 2 lúa trở lên như gia đình các ông Trịnh Văn Quynh, Trịnh Văn Đông, Trịnh Văn Giang ở xóm 6... Thu nhập từ cây vụ đông của xã đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác của xã đạt 95 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm; cả xã có 856 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.

Để tiếp tục đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, HTXNN tích cực phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng…, tổ chức tập huấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn để nông dân áp dụng. Bên cạnh đó, HTX cũng hỗ trợ xã viên về hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp và vốn phát triển sản xuất để nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com