Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở Thị trấn Quỹ Nhất

06:07, 26/07/2013

Là trung tâm kinh tế, văn hóa khu vực phía nam huyện Nghĩa Hưng, những năm qua, Thị trấn Quỹ Nhất đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của hộ nông nghiệp đạt trên 20 triệu đồng/năm.

Để tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, UBND thị trấn đã tranh thủ mọi nguồn kinh phí và huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Công tác DĐĐT gắn với quy hoạch vùng sản xuất và xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng ở thị trấn được tiến hành đồng loạt ở 9 khu phố. Trong 2 năm 2011 và 2012, thị trấn đã đào đắp trên 27km đường ra đồng, củng cố hệ thống kênh, mương cấp 3; đặt 3.104 cống bi dẫn nước; xây kè bờ nam sông Thạch Giang; xây 5 cầu qua kênh cấp 2; "cứng hóa" hơn 1km bờ kênh và đổ bê tông 4,4km đường ra đồng với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Cùng với chỉnh trang đồng ruộng, thị trấn đã quy hoạch diện tích canh tác thành 3 vùng sản xuất chính, trong đó vùng trồng cây vụ đông rộng 80ha, vùng sản xuất lúa cao sản và vùng trồng lúa hàng hóa rộng 230ha. Đồng hành với nhân dân trong việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ngoài việc xây dựng quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, đảm nhận toàn bộ khâu làm đất, cung ứng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, HTXDVNN thị trấn phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện và các Cty sản xuất giống cây trồng, kinh doanh thuốc BVTV tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới cho nhân dân. Trung bình mỗi năm, HTX tổ chức gần 100 buổi tập huấn giới thiệu kỹ thuật canh tác, giống cây trồng, vật nuôi và các loại phân bón tới từng đội sản xuất, đồng thời xây dựng mô hình điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để người dân so sánh đối chiếu và tiếp thu kỹ thuật mới áp dụng vào thực tế sản xuất.

Gia đình anh Trần Văn Thắng, khu phố 7, Thị trấn Quỹ Nhất chuẩn bị đất để trồng cây vụ đông sớm trên diện tích chuyển đổi 2 màu 1 lúa.
Gia đình anh Trần Văn Thắng, khu phố 7, Thị trấn Quỹ Nhất chuẩn bị đất để trồng cây vụ đông sớm trên diện tích chuyển đổi 2 màu 1 lúa.

Từ nhiều năm nay, HTX đã xây dựng thành công bộ giống với cơ cấu phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của nông dân để vừa có lúa đặc sản, vừa có lúa hàng hóa lại có nhiều thời gian sản xuất cây vụ đông. Trong đó, HTX bố trí 30% diện tích gieo cấy các giống lúa ngắn ngày như TH3-3, Nam Định 5, Bắc thơm 7, TBR 45 ở vùng sản xuất cây vụ đông; 60% diện tích gieo cấy trà trung gồm các giống CNR02, Thiên ưu 1025, PHB 71… và 10% diện tích gieo cấy giống tám, nếp ở vùng trồng lúa đặc sản… Trong năm 2012, HTX đã tổ chức cấy khảo nghiệm nhiều giống lúa lai 3 dòng cao sản như: TB, CNR02, BHB 71 để đưa ra sản xuất đại trà, đồng thời hỗ trợ nhân dân áp dụng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) theo phương châm “3 cùng” (cùng trà, cùng giống, cùng thời vụ) để tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa. Với diện tích hơn 54ha, CĐML ở thị trấn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy đại trà từ 15-20% mà còn tạo điều kiện thuận lợi để HTX có CĐML tổ chức sản xuất cây màu vụ đông, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất liên vụ. Trong sản xuất cây màu vụ đông, HTX đã khảo sát, đánh giá điều kiện thích nghi và lựa chọn các đối tượng cây trồng chủ lực để khuyến khích nông dân sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm hàng hóa, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và hỗ trợ nông dân các giải pháp kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng. HTX đã chọn cà chua là cây chủ lực để ưu tiên sản xuất trong vụ đông, đồng thời hướng dẫn nông dân trồng luân canh bí xanh, bí đỏ, đậu tương và rau màu các loại để đa dạng hóa sản phẩm vụ đông và giúp cải tạo đất, nâng cao thu nhập. Trong năm 2012, HTX đã trồng khảo nghiệm và đưa giống cà chua Tiền Phong 2 vào sản xuất đại trà thay thế cho những giống cà chua cũ năng suất thấp. Ngoài ưu điểm có tiềm năng năng suất, chất lượng cao từ 1,8-2,2 tấn/sào, kháng được bệnh héo xanh và xoăn lá, giống cà chua Tiền Phong 2 còn ra hoa, đậu quả tập trung, số lượng quả đồng đều nên giá bán cao, lại tiết kiệm công thu hái. HTX đã hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV và các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng đồng nhất của một hãng sản xuất nhằm phát huy tối đa tác dụng của thuốc đối với cây trồng. Đặc biệt tổ BVTV thuộc Ban nông nghiệp thị trấn đã nghiên cứu và áp dụng thành công các công thức chăm sóc cây vụ đông bị tổn thương do mưa bão, úng lụt. Trong đó, biện pháp kỹ thuật ủ bùn tươi vào gốc để kích thích phát triển rễ mới thay thế bộ rễ cũ bị hư hỏng do mưa, bão và bổ sung chế phẩm vi sinh kích thích sinh trưởng qua lá giúp cây chóng hồi xanh đã đạt hiệu quả cao. Trong năm 2012, toàn bộ diện tích cà chua, bí xanh, bí đỏ vụ đông bị ảnh hưởng của bão số 8 của thị trấn đều được áp dụng biện pháp kỹ thuật này nên vẫn cho thu nhập khá. Bình quân thu nhập 1ha cà chua đạt 450-500 triệu đồng; bí xanh, bí đỏ đạt gần 100 triệu đồng/ha; rau màu các loại đạt trên 120 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp của thị trấn, đạt 95 triệu đồng. Đồng chí Trần Văn Chuyền, Chủ nhiệm HTXDVNN Thị trấn Quỹ Nhất cho biết: Việc tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào hầu hết các khâu sản xuất và hoàn thiện các quy trình từ chỉ đạo cơ cấu giống, mùa vụ, kỹ thuật cũng như tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã làm nên thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp và tạo được lòng tin của nông dân vào sự chỉ đạo, điều hành của Ban nông nghiệp thị trấn và Ban quản trị HTX. Năm 2013, đã có 44ha diện tích đất 2 vụ lúa của thị trấn chuyển sang trồng một vụ lúa, 2 vụ màu, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 20,6 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, để tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực để phát triển kinh tế nông nghiệp, Thị trấn Quỹ Nhất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng phát triển sản xuất trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com