Những năm gần đây, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Các ban, ngành đã tập trung đưa vào ứng dụng 4 phần mềm chính, gồm: cổng, trang thông tin điện tử; hòm thư điện tử; phần mềm quản lý văn bản, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan quản lý nhà nước; truyền hình trực tuyến và hiện đang triển khai ứng dụng phần mềm chữ ký số và phần mềm một cửa điện tử từ đầu năm 2013. UBND tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định, giao Sở TT và TT đảm nhiệm điều hành hoạt động. Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã bước đầu thực hiện vai trò là kênh thông tin, góp phần giúp HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo trên các lĩnh vực văn hoá, chính trị xã hội, phát triển kinh tế đến với nhân dân và các doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử tỉnh còn cung cấp đến nhân dân các thủ tục hành chính của cả ba cấp tỉnh, huyện, xã, đồng thời liên kết với hàng chục trang thông tin điện tử của các sở, huyện trên toàn tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Tin học (Sở TT và TT) điều hành hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh. |
Từ năm 2004, Trang thông tin điện tử của Tỉnh uỷ được triển khai và hiện nay đang được tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động. Hệ thống thiết bị phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được đầu tư năm 2010 với 12 điểm cầu tại Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và 10 huyện, thành phố hiện hoạt động ổn định, phục vụ công tác chỉ đạo của tỉnh đối với các địa phương. Hệ thống thư điện tử của tỉnh được nâng cấp và triển khai đến các đơn vị; đã cấp địa chỉ thư điện tử cho 100% các ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn; gần 70% cán bộ, công chức cấp tỉnh và gần 50% cấp huyện sử dụng thư điện tử phục vụ công việc. Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp của các cơ quan Đảng, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các cơ quan chính quyền đã được triển khai ở 100% các cơ quan Đảng, 47% các ngành và 20% huyện, thành phố. Hiện nay, 100% các ngành, UBND cấp huyện có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Trong đó, nhiều trang thông tin điện tử hoạt động chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành quản lý nhà nước của các ngành. Trang thông tin điện tử của Thành phố Nam Định, huyện Trực Ninh, Sở NN và PTNT… đã bảo đảm thông tin về cơ cấu tổ chức, văn bản pháp luật của ngành, địa phương, lịch công tác của lãnh đạo ngành, giấy mời họp đối với các đơn vị trực thuộc… Với những thông tin đăng tải, các trang thông tin điện tử của các ngành đã góp phần phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước, nâng cao tính minh bạch, giảm phiền hà và tiết kiệm trong việc in ấn văn bản, gửi văn bản đến các cấp, các đơn vị. Hầu hết các trang thông tin điện tử của các ngành đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2; một số đơn vị như: Sở TT và TT, Sở Y tế, Sở KH và ĐT... đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 đối với 13 nhóm dịch vụ công cơ bản gồm: đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, cấp giấy phép xây dựng… Theo đánh giá của Sở TT và TT, những kết quả trên nếu so với lộ trình, mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử thì mới chỉ ở mức xây dựng phần nền móng ban đầu. Tuy nhiên đây là kết quả đáng ghi nhận vì thực trạng hạ tầng kỹ thuật CNTT và hạ tầng nguồn nhân lực CNTT của tỉnh ta còn nhiều hạn chế; các ban, ngành, các huyện, thành phố đều chưa bố trí đủ cán bộ CNTT chuyên trách, hầu hết mới chỉ làm kiêm nhiệm, trình độ của đội ngũ cán bộ chưa đạt chuẩn theo quy định.
Trong mục tiêu phát triển CNTT của tỉnh từ nay đến năm 2015, riêng lĩnh vực ứng dụng CNTT, tỉnh ta phấn đấu 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện và 50% cấp xã thường xuyên sử dụng thư điện tử trong quá trình giải quyết công việc. 100% cổng thông tin, trang thông tin của các sở, ngành và UBND cấp huyện cung cấp đầy đủ thông tin theo Điều 28 của Luật CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3; 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện sử dụng phần mềm để quản lý văn bản và điều hành công việc. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tiếp tục tập trung xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNTT, cần có sự chủ động đầu tư xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực và các chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành, quản lý của chính các ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh. Sở GD và ĐT là đơn vị tiên phong triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý toàn diện các cơ sở giáo dục trong ngành. Đầu năm học 2012-2013, Sở GD và ĐT đã yêu cầu tất cả các đơn vị, cơ sở giáo dục trong tỉnh phải tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT bằng các nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và đội ngũ chuyên trách về CNTT. Xây dựng, hoàn thiện bộ máy quản lý CNTT từ sở đến các cơ sở giáo dục, đưa công tác quản lý CNTT vào nền nếp. Từ ngày 1-8-2012, Sở GD và ĐT đã thực hiện chỉ đạo cho các đơn vị qua hệ thống thư điện tử nội bộ và coi đây là kênh thông tin quản lý chính thức để gửi, nhận văn bản và các dữ liệu đã được số hoá khác. Sở GD và ĐT dự kiến đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử và cung cấp cho các đơn vị trực thuộc một website theo tên miền của sở, xây dựng cổng thông tin điện tử trở thành trung tâm thông tin quản lý giáo dục, xây dựng dữ liệu ngành Giáo dục; đồng thời tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy tin học cho các cấp học sinh, đóng góp cho tỉnh nguồn nhân lực CNTT có chất lượng trong tương lai./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý