Nghiên cứu thành công các giống lúa canh tác trên vùng đất nhiễm mặn

08:11, 15/11/2012

Tỉnh ta có gần 81 nghìn ha đất trồng lúa. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình trạng hạn hán kéo dài kết hợp với triều cường trong vụ đông xuân đã làm cho nhiều diện tích đất canh tác của các huyện ven biển bị nhiễm mặn. Hằng năm, ở 3 huyện ven biển là Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng có khoảng 12 nghìn ha đất canh tác bị nhiễm mặn, trong đó, có khoảng 5.000ha nhiễm mặn nặng. Độ mặn trong đất ở vụ đông xuân mức trung bình là 0,7-3,0%0, cá biệt có năm lên đến 8%0. Do đó, việc canh tác lúa trên những diện tích nhiễm mặn gặp nhiều khó khăn, chi phí tốn kém, nhiều nơi mất khả năng canh tác.

Cán bộ Phòng Cây trồng (Sở NN và PTNT) cùng các hộ dân kiểm tra năng suất lúa lai chịu mặn tại xã Giao Thiện (Giao Thuỷ).
Cán bộ Phòng Cây trồng (Sở NN và PTNT) cùng các hộ dân kiểm tra năng suất lúa lai chịu mặn tại xã Giao Thiện (Giao Thuỷ).

Trước thực tế trên, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh từ năm 2010, được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, Sở NN và PTNT, Phòng Cây trồng (Sở NN và PTNT) đã tiến hành khảo nghiệm một số giống lúa chịu mặn và xây dựng một số giải pháp kỹ thuật thâm canh lúa tại vùng đất nhiễm mặn ven biển. Địa điểm tiến hành các nghiên cứu tại 2 xã có diện tích nhiễm mặn lớn nhất tỉnh là Giao Hải và Giao Thiện (Giao Thủy) nhằm tuyển chọn giống lúa ngắn ngày, chịu mặn khá, có năng suất, chất lượng cao và chống chịu sâu bệnh khá (hoặc ít nhiễm sâu bệnh), từ đó xây dựng quy trình canh tác lúa riêng cho vùng đất bị ảnh hưởng mặn. Sau khi tìm hiểu các yếu tố đất đai, nước ảnh hưởng đến sản xuất lúa tại các xã ven biển huyện Giao Thủy, nhóm nghiên cứu của Phòng Cây trồng đã chọn 8 giống lúa lai (Nhị ưu 838, TX111, Thiên ưu 1025, Nam Dương 99, Thục Hưng 6, Kim Bài 399, CNR 02, Syn 6) và 7 giống lúa thuần (M16, M20, NĐ1, NĐ5, BC15, TBR 45, BT7) có khả năng chịu được độ mặn cao trên 1,5%0 để khảo nghiệm; sử dụng 4 chủng loại phân hữu cơ gồm phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ phế phẩm trồng nấm, phân hữu cơ khoáng Vedagro và phân hữu cơ khoáng Quế Lâm; 4 loại chế phẩm hóa - sinh học gồm: Chế phẩm Growmore, chế phẩm ET, chế phẩm Max-kali-humat. Từ các nguồn vật liệu trên, ở mỗi địa điểm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 3 dự án thí nghiệm đồng ruộng gồm: Thí nghiệm so sánh, đánh giá về khả năng chịu mặn, khả năng chống chịu sâu bệnh, tiềm năng năng suất lúa và chất lượng thương phẩm của các giống lúa; thí nghiệm so sánh, đánh giá về mức độ tăng sức chống chịu mặn của cây lúa khi áp dụng các loại phân hữu cơ khác nhau để thay thế cho một loại phân vô cơ và thí nghiệm so sánh đánh giá mức độ tăng sức chống chịu mặn của cây lúa khi áp dụng các chế phẩm hóa - sinh học; từ đó, nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật bổ trợ làm cơ sở xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác lúa cho vùng đất nhiễm mặn huyện Giao Thủy. Sau hơn 2 năm nghiên cứu ở 3 vụ xuân, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tính thích ứng của các giống lúa với vùng đất nhiễm mặn, trong đó, giống Nhị ưu 838 thích ứng cao nhất, tiếp đó là các giống Nam Dương 99, Kim Bài 399, CNR 02 và TX111. Giống TX111 trên đất nhiễm mặn tuy khả năng chịu mặn không cao như Nhị ưu 838 nhưng chất lượng gạo thương phẩm cao. Trong nhóm lúa thuần, giống M16 có khả năng chịu mặn tốt nhất song tiềm năng năng suất không cao; giống NĐ5, TBR 45 chịu mặn khá, năng suất trung bình. Bước đầu nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 2 giống lúa lai mới là Nam Dương 99, TX111 và 2 giống lúa thuần mới là NĐ5, TBR 45 để bổ sung vào cơ cấu giống lúa cho vùng đất nhiễm mặn ven biển của tỉnh. Riêng giống M16 được chọn cho vùng đất nhiễm mặn nặng. Cùng với việc chọn được giống lúa thích hợp, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được quy trình canh tác và chế độ sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học thích hợp để vừa canh tác hiệu quả lại cải tạo môi trường đất trồng lúa, làm giảm tốc độ suy thoái đất trồng lúa, giải quyết vấn đề tồn tại trong sản xuất lúa hiện nay nói chung và sản xuất lúa tại những vùng ảnh hưởng mặn nói riêng. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang xây dựng mô hình trình diễn và bước đầu chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất tại vùng đất bị nhiễm mặn thuộc các xã ven biển của tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Việc xác định được các giống lúa chịu mặn và các giải pháp thâm canh lúa cho vùng đất nhiễm mặn là cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển sản xuất lúa tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và đảm bảo an toàn lương thực của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com