Tăng cường bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm

07:08, 14/08/2012

Nước ngầm nằm trong nhóm ba nguồn nước chính cung cấp nước ngọt cho con người, gồm: nước mưa, nước bề mặt và nước ngầm; trong đó, nguồn nước ngầm ở độ sâu hơn 20m được coi là nguồn nước duy nhất hiện nay còn sạch với chất lượng ổn định. Tuy nhiên, do khai thác quá mức và tùy tiện, mực nước ngầm ở một số địa phương đã có hiện tượng bị hạ thấp và tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững.

Theo thống kê của Sở TN và MT, toàn tỉnh hiện có hơn 200 nghìn chiếc giếng, trong đó có khoảng 190 nghìn chiếc giếng khoan, còn lại là giếng đào; tổng lượng nước ngầm khai thác dùng cho sinh hoạt khoảng 185.000m3/ngày. Qua khảo sát thực tế năm 2011, các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất (Cộng hoà Liên bang Đức) và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ TN và MT) đã cho rằng tình trạng khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, cùng với sự gia tăng lưu lượng khai thác, tình trạng khai thác quá mức nước ngầm dưới độ sâu trên 100m là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước ngầm và đã có hiện tượng nhiễm mặn nguồn nước ngầm tại các huyện Giao Thủy và Hải Hậu. Bên cạnh đó, nước ngầm còn có hiện tượng nhiễm bẩn do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải làng nghề. Nước ngầm tại nhiều điểm quan trắc đã có dấu hiệu ô nhiễm đối với các chỉ tiêu về chỉ số ôxy hoá chất hữu cơ trong nước (COD); chỉ số về mức độ ôxy hoá trong nước (BOD), Clorua, Amoni; nguồn nước ngầm tại các huyện Nam Trực và Giao Thuỷ có chất lượng kém nhất với 4 đến 5 chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép… Nguyên nhân dẫn đến các yếu tố gây tác động xấu đến nước ngầm là do từ nhiều năm nay, các hộ dân khai thác nguồn nước ngầm không theo quy hoạch, các giếng khoan được thực hiện tự phát, việc thay thế các giếng hỏng cũng rất tuỳ tiện, bừa bãi, không xin cấp phép theo quy định và không có sự quản lý của địa phương. Nhiều giếng khoan đã khai thác xong hoặc không sử dụng không được san lấp đúng quy định, tạo thành những đường dẫn các chất ô nhiễm trên bề mặt xâm nhập vào lòng đất, làm suy thoái chất lượng nước ngầm. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc khiến nước ngầm có nhiều nguy cơ bị ô nhiễm từ các tác động khách quan như: chất thải tồn lưu tại các bãi chứa rác chưa được xử lý ô nhiễm triệt để; tình trạng ô nhiễm nước mặt cũng gây ô nhiễm nước ngầm qua các đường mao mạch trong đất…

Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị (TP Nam Định) sử dụng nước máy trong vệ sinh công viên, giảm thiểu khai thác trữ lượng nước ngầm.
Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị (TP Nam Định) sử dụng nước máy trong vệ sinh công viên, giảm thiểu khai thác trữ lượng nước ngầm.

Để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước ngầm trong điều kiện nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng gia tăng, tỉnh ta đã thực hiện một số biện pháp nhằm bảo vệ chất lượng và trữ lượng nguồn nước ngầm. Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án "Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị Việt Nam" của Cộng hoà Liên bang Đức, tỉnh ta đã xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất gồm 23 giếng khoan tại 10 xã thuộc 7 huyện, gồm: Yên Chính (Ý Yên), Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc), Điền Xá, Bình Minh (Nam Trực), Phương Định (Trực Ninh), Giao Xuân, Giao Yến (Giao Thủy), Hải Bắc, Hải Giang (Hải Hậu) và Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng). Mạng lưới quan trắc này được thiết kế trên cơ sở phân tích cấu trúc địa mạo và địa chất thủy văn, phản ánh động thái của từng cấu trúc chứa nước, nhằm phục vụ việc kiểm soát, dự báo và hạn chế thiệt hại đối với nguồn tài nguyên quý giá này; góp phần ngăn chặn hiện tượng suy thoái nước ngầm bằng cách duy trì khai thác nước ngầm một cách khoa học, ổn định. Tỉnh sẽ thiết lập một lực lượng chuyên môn để duy trì, bảo dưỡng cũng như cập nhật thường xuyên thông tin liên quan đến nguồn nước ngầm để có giải pháp khắc phục kịp thời. Sở TN và MT tiếp tục phối hợp với các chuyên gia dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị Việt Nam" xây dựng mô hình số bảo vệ nước ngầm, tổ chức đào tạo cho các cán bộ làm công tác quản lý nguồn nước ngầm. Phát triển hiệu quả mạng lưới quan trắc để kiểm soát sự biến đổi về chất lượng cũng như trữ lượng nước, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp quy hoạch khai thác hợp lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường nước. Trước mắt, áp dụng phương pháp cân bằng nước cho tầng chứa nước dưới sâu do các chuyên gia của dự án "Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị Việt Nam" khuyến cáo. Cụ thể, sẽ thay thế khoảng 42% lượng nước khai thác bởi nước ngầm nhạt từ tầng chứa nước phía dưới và từ ranh giới phía tây tỉnh; 22% lượng nước khai thác được thay thế bởi nước ngầm từ biển và 36% lượng nước khai thác được thay thế bởi nước ngầm lợ, mặn từ tầng chứa nước phía trên mặt và từ ranh giới phía đông bắc tỉnh. Về lâu dài sẽ có quy hoạch khai thác nước dưới đất trên cơ sở quy hoạch các nguồn nước khác như nước mưa, nước mặt; khai thác nước tập trung là chính, tiến tới loại bỏ khai thác đơn lẻ, nhất là vùng nông thôn. Toàn bộ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất phải tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giảm tối đa sự tồn dư độc hại trong các chất thải. Riêng ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều hộ sử dụng nước ngầm sẽ nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch theo quy mô phù hợp với địa lý, địa hình và mức độ phân bố dân cư của từng vùng, từng xã, đồng thời đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho từng khu vực đông dân, khu vực chăn nuôi tập trung, khu vực làng nghề. Đối với các giếng khai thác nước ngầm không còn nhu cầu sử dụng, phải tiến hành trám lấp kịp thời, đúng kỹ thuật. Thời gian tới, tập trung huy động lực lượng kiểm tra, kiểm soát việc khoan đào địa chất, khai thác nguồn nước ngầm theo hướng kiểm soát ngay từ cấp đăng ký; việc cấp giấy phép khai thác nước ngầm được thực hiện ở cả hộ gia đình lẫn các doanh nghiệp; khẩn trương chấm dứt tình trạng khoan thăm dò địa chất, khai thác nước không có giấy phép. Sở TN và MT tăng cường tuyên truyền để tất cả các tổ chức, cá nhân có nhận thức và ý thức trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm một cách tối ưu, giảm bớt hoạt động khai thác nước ngầm không bức thiết./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com