Giải pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch

09:08, 10/08/2012

Những năm gần đây, tình trạng đốt rơm, rạ tràn lan sau mỗi kỳ thu hoạch lúa của nông dân các địa phương trong tỉnh diễn ra khá phổ biến, không chỉ gây lãng phí nguyên liệu, làm mất nhiều nguyên tố dinh dưỡng quan trọng trong đất mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Để giải quyết tình trạng này, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở KH và CN đã nghiên cứu và áp dụng nhiều đề tài, dự án khoa học xử lý rơm rạ sau thu hoạch như: Dự án “Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh”; tận dụng rơm, rạ để trồng nấm… Tuy nhiên tình trạng đốt rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa chỉ hạn chế được phần nào. Năm 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) đã áp dụng thành công mô hình ứng dụng chế phẩm Fito - Biomix RR chế biến rơm, rạ thành phân bón hữu cơ.

Công nghệ xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Fito -  Biomix RR  thành phân bón hữu cơ do Cty CP Công nghệ sinh học chuyển giao được nghiên cứu, phân lập và tuyển chọn từ hàng trăm chủng vi sinh vật có khả năng phân giải xenluloza cao, tích luỹ hàm lượng lớn các dưỡng chất có lợi cho cây trồng và tái tạo đất. Giải pháp này được Bộ KH và CN đánh giá là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Công nghệ xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học Biomix RR được tiến hành theo công thức: Rơm, rạ tập trung thành đống lớn (khoảng 1 tấn) hòa 200g chế phẩm sinh học Biomix RR với 50 lít nước tưới đều lên từng lớp rơm, rạ, mỗi lớp có độ dày khoảng 30cm và bổ sung 1kg phân NPK. Sau khi kiểm tra độ ẩm của rơm, rạ bảo đảm nước ngấm đều dùng nilon ủ kín để đảm bảo vệ sinh môi trường, duy trì nhiệt độ ở mức 40oC. Trong khoảng 10-15 ngày, đảo trộn các lớp rơm, rạ và bổ sung nước nếu thấy khô. Sau 20-30 ngày ủ, rơm rạ sẽ phân hủy trở thành phân hữu cơ vi sinh dùng bón lót gối vụ hoặc đánh gọn bảo quản bón cho cây trồng vụ đông. Ngoài rơm rạ, bà con nông dân có thể cho thêm phân chuồng, bèo rác, bã thải hoặc nước thải từ hầm biôgas, trộn đều với chế phẩm sinh học. Ưu điểm của phân hữu cơ vi sinh là sau khi ủ sẽ tiêu diệt các nguồn bệnh tàn dư, bón cho đất trước khi gieo trồng sẽ tăng lượng hữu cơ, nâng cao độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp, tiết kiệm chi phí mua phân hóa học, giúp cải tạo đất, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và hạn chế tác động xấu đến môi trường. Sau vụ thu hoạch lúa xuân 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) đã triển khai thành công mô hình này tại HTX Tân Phú, xã Lộc Hòa (TP Nam Định) trên tổng diện tích 14ha với 85 tấn rơm rạ được xử lý. Sau 28 ngày ngâm ủ rơm rạ với chế phẩm sinh học Biomix RR, đã cho ra phân hữu cơ thành phẩm với thành phần chất lượng phân bón đạt chỉ tiêu kỹ thuật về hàm lượng đạm, lân, kali và khoáng chất… Đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Thành công của giải pháp xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Biomix RR đã đáp ứng được nhiều mục tiêu đề ra là nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt hoặc thải bừa bãi rơm, rạ sau thu hoạch dẫn đến lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp các hộ dân tiếp cận với công nghệ mới trong việc xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh thoái hóa và tăng độ phì nhiêu của đất. Theo ước tính cứ 5 tấn rơm, rạ sau xử lý sẽ cho 3,5 tấn phân bón hữu cơ. Nếu giải pháp này được áp dụng rộng rãi thì với gần 1.000 tấn rơm rạ mỗi vụ sau thu hoạch lúa của toàn tỉnh sẽ là nguồn nguyên liệu lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, vừa bổ sung nhiều nguyên tố dinh dưỡng cho ruộng đồng, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường sống khu vực nông thôn.

Ngoài giải pháp ứng dụng chế phẩm Fito - Biomix RR chế biến rơm, rạ thành phân bón hữu cơ, Sở KH và CN còn phối hợp với Trung tâm phát triển vùng (Bộ KH và CN) tiến hành thí điểm mô hình bếp ga hồng ngoại  sử dụng nguyên liệu là các phụ phẩm nông nghiệp tại xã Liên Minh (Vụ Bản). Ưu điểm của loại bếp gas này là tận dụng được các phụ phẩm nông, lâm nghiệp như rơm, rạ, mùn cưa, dăm bào, củi, gỗ vụn, thân cây ngô, lõi ngô, bã sắn, bã mía để sản xuất nhiên liệu. Bếp gas hồng ngoại có ngọn lửa sạch, không khói bụi, không bị gián đoạn khi nạp và nén nhiên liệu so với bếp gas thông thường. Theo Bộ KH và CN, dự kiến bếp gas hồng ngoại sẽ được sản xuất đại trà vào năm 2014 với giá thành khoảng gần 2 triệu đồng/bếp.

Với những giải pháp hữu hiệu có khả năng ứng dụng trong thực tiễn của các nhà khoa học, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, tình trạng đốt rơm, rạ trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước được chấm dứt./.

Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com