Ưu điểm của loại gạch này là thiết bị công nghệ hoàn toàn do tự sáng chế, vận hành đơn giản, không phụ thuộc vào việc nhập thiết bị và công nghệ của nước ngoài.
Nếu sản suất đầu tư nhỏ chỉ cần tối thiểu khoảng 300m2 đất và 500 triệu đồng là có thể sản xuất ra loại gạch xây dựng phù hợp với nông thôn miền núi, thay thế các lò gạch đất nung thủ công hiện đang gây ô nhiễm môi trường.
Tiến sỹ Vũ Duy Thoại cho biết quy trình sản xuất loại gạch này rất đơn giản, từ những phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cỏ cây được nghiền nhỏ, sau đó trộn với tro bay là phế phẩm của nhà máy nhiệt điện rồi trộn với nước và xi măng theo một tỷ lệ nhất định tạo thành một hỗn hợp và được cho vào khuôn, dưới tác dụng của lực nén chúng sẽ được ép lại, sau đó mang phơi và bảo quản trong vòng một tuần là có thể sử dụng như một viên gạch bình thường.
Gạch không nung làm từ phế phẩm nông nghiệp |
Do làm từ những phế phẩm nông nghiệp, nên tỷ trọng của những viên gạch này nhẹ hơn so với gạch đất nung, độ uốn gấp ba lần các loại gạch khác, thích hợp với việc xây dựng cho các công trình cao tầng hay xây dựng nhà tại các vùng sâu, vùng xa có địa hình xấu khó vận chuyển vật liệu.
Bên cạnh đó, cường độ chịu nén sau khi sốc nhiệt 10 chu kỳ tăng lên chứng tỏ tuổi thọ của gạch rất cao và loại gạch này hoàn toàn dùng vữa xi măng cát bình thường như vữa xây gạch đất nung nên rất tiện lợi cho việc xây trát truyền thống.
Đặc biệt, chi phí làm ra loại gạch này chỉ bằng 60% các sản phẩm nung đang bán trên thị trường.
Sản phẩm gạch không nung từ phế phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường của tiến sỹ Vũ Duy Thoại đã được cấp bằng sáng chế số 9198 do Cục sở hữu trí tuệ cấp ngày 31/3/2011 và được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ.
Theo thống kê, với tốc độ xây dựng như hiện nay, nếu sử dụng gạch nung từ đất thì mỗi năm Việt Nam sẽ mất đi 30.000ha đất canh tác dành cho nông nghiệp, tương đương mất đi một xã.
Việc tận dụng những phế phẩm nông nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên khoáng sản mang lại nguồn lợi kinh tế, giúp cải thiện môi trường mà còn có thể mang lại công ăn việc làm cho những nông dân lúc nông nhàn.
Hàng năm, ngành nông nghiệp Việt Nam thải ra hàng trăm nghìn tấn phế phẩm, đây được coi là một nguồn tài nguyên quý giá. Tuy nhiên, do những hạn chế về trình độ khoa học công nghệ mà nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí hoặc bị sử dụng sai mục đích, điều này không chỉ gây ra sự lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Hiện tượng đốt rơm rạ tràn lan sau mỗi vụ gặt là một ví dụ điển hình cho bất cập này.
Theo khoahoc.com.vn