Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp

07:07, 12/07/2012

Những năm qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) thực hiện nhiều công trình ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào thực tế sản xuất và trực tiếp chuyển giao các công trình ứng dụng CNSH cho nông dân. Với đội ngũ kỹ sư có nhiều kinh nghiệm và hệ thống cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ phát triển CNSH gồm: Phòng nuôi cấy mô, phòng thí nghiệm, nhà xưởng, lò sấy công nghiệp, lồng hấp, máy nghiền nguyên liệu, máy sàng, máy đảo trộn nguyên liệu..., Trung tâm đã nghiên cứu thành công các mô hình như: nuôi cấy mô tế bào thực vật; sản xuất giống nấm cấp I, II, III, nuôi trồng và chế biến nấm thương phẩm các loại; sản xuất chế phẩm sinh học, sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường và một số loại chế phẩm bảo vệ thực vật trên cây rau màu, hoa và các cây trồng khác… Đặc biệt, việc ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào đã nhân nhanh giống cây trồng với số lượng lớn, đồng đều về mặt di truyền và là nguyên liệu để lai tạo ra các con lai tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: khoai tây; tùng thơm, măng tre, măng củ, chuối tiêu hồng…, đồng thời phục tráng và bảo tồn các giống cây trồng bị thoái hóa sau nhiều vụ sản xuất như chuối ngự, gạo tám xoan, nếp hương, cải dầu… Những sản phẩm trên được Trung tâm nghiên cứu thành công, chuyển giao công nghệ cho nông dân trong tỉnh áp dụng vào thực tế sản xuất, hiện trở thành hàng hoá được thị trường ưa chuộng. Trong 2 năm 2011-2012, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào bằng phương pháp cắt lát mỏng hoặc sử dụng đỉnh sinh trưởng làm tế bào gốc để nhân giống hoa lan hồ điệp và trồng hoa lan thương phẩm theo quy trình công nghiệp, đồng thời sử dụng các phương pháp sinh học hiện đại trong chẩn đoán bệnh, loại trừ các bệnh thường gặp và loại trừ biến dị để chọn cây đầu dòng ưu tú. Với năng lực sản xuất ban đầu là 20 nghìn giống cây/năm, Trung tâm đã giúp các hộ trồng hoa đưa nhanh cây lan hồ điệp vào sản xuất, góp phần chủ động nguồn giống hoa chất lượng cao ngay tại địa phương, giảm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian trồng và khống chế được thời điểm ra hoa của cây.
 

Pha chế dung dịch khử khuẩn trong nuôi cấy mô tế bào tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN).
Pha chế dung dịch khử khuẩn trong nuôi cấy mô tế bào tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN).

Các Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Giống thủy hải sản, Trung tâm Giống thủy đặc sản, Cty Cá giống Nam Trực… thời gian qua đã thành công trong sản xuất giống cá chim trắng nước ngọt, cá rô phi đơn tính đực dòng GIFT bằng phương pháp hooc môn, công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính Đài Loan, sản xuất giống tu hài, kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm he chân trắng và cua biển... Trong chăn nuôi, nhiều hộ dân ở các huyện Vụ Bản, Giao Thủy, Ý Yên, Mỹ Lộc… đã xây dựng hầm khí biogas tận dụng nguồn thải của phân hữu cơ tạo nhiên liệu đốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: “Trước thực tế ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp nên việc phát triển CNSH đã trở thành nhiệm vụ trọng yếu của Sở NN và PTNT, trong đó chú trọng đến việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao; phát triển các mô hình canh tác theo hướng công nghệ cao, đem lại giá trị sản lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác cho bà con nông dân”. Từ thực tế ứng dụng CNSH trong đời sống và sản xuất, đến nay, bộ môn Công nghệ sinh học được thành lập tại Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đảm nhận vai trò trang bị kiến thức về CNSH cho học viên và chuyển giao các ứng dụng CNSH đơn giản như trồng nấm, nhân giống nấm, vệ sinh trang trại bằng chế phẩm sinh học và xử lý phế thải từ trồng nấm thành phân bón vi sinh…, tiến tới thử nghiệm trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh… Ngoài ra, bộ môn còn thực hiện việc nghiên cứu, ứng dụng những đề tài, dự án CNSH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện tại, ngoài việc nuôi cấy thành công nhiều loại giống nấm dược liệu quý từ cấp một đến cấp ba, Trung tâm đáp ứng 100% nhu cầu về giống nấm cho các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh và là một trong bốn đơn vị tại miền Bắc nuôi cấy, nhân giống và lưu giữ thành công các loại nấm quý.

Ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp được coi là giải pháp mang tính đột phá nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng CNH-HĐH. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển nhanh việc ứng dụng CNSH vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng cùng các địa phương trong việc lựa chọn các vùng trọng điểm để có chính sách đầu tư thỏa đáng. Trước mắt ưu tiên xây dựng mô hình đầu tư cho các sản phẩm nông nghiệp như giống khoai tây, thủy sản, phân vi sinh... và xây dựng lộ trình cho các sản phẩm nông nghiệp cụ thể để có hướng đầu tư trọng điểm, bền vững. Công tác nghiên cứu cũng cần tập trung chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản; nghiên cứu phát triển các quy trình công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề cho phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao/.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com