Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống thủy sản

09:08, 03/08/2012

Tỉnh ta có nhiều lợi thế trong việc phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Năm 2011, tổng diện tích nuôi thủy sản ở cả vùng nước mặn và nước ngọt của tỉnh là trên 16 nghìn ha, sản lượng đạt trên 53 nghìn tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng nuôi thủy sản đạt trên 28 nghìn tấn. Đạt được kết quả trên, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi… còn do tỉnh ta đã chủ động được nguồn giống thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 52 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó có 30 cơ sở sản xuất giống hải sản, 22 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt. Năm 2012, toàn tỉnh phấn đấu sản xuất 5 tỷ 345 triệu con giống thủy hải sản các loại, cung ứng cho các hộ nuôi ở trong và ngoài tỉnh. Để đạt được mục tiêu đề ra, các cơ sở sản xuất giống thủy hải sản trong tỉnh đã đầu tư 22,586 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và công tác nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng các công nghệ vào sản xuất giống các loại. Là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sản xuất các giống hải sản mới cho các cơ sở sản xuất giống hải sản trong tỉnh, Trung tâm Giống hải sản Nam Định (Sở NN và PTNT) đã tập trung đầu tư nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều giống hải sản quý như: tôm sú, tôm rảo, tôm he chân trắng, cá bống bớp, cua rèm, ghẹ xanh… Với diện tích trên 10ha, trong đó có 7ha mặt nước, 12 ao nuôi thực nghiệm, được thiết kế hoàn chỉnh, có hệ thống tưới, tiêu nước riêng biệt, hệ thống quạt nước…, những năm gần đây, Trung tâm đã làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm, ngao, cá bống bớp, cua biển, ghẹ và đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất giống hàu, cá chẽm, cá song, mở ra hướng phát triển đa dạng đối tượng nuôi vùng mặn lợ. Trong năm 2011, Trung tâm đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá thủ đất và đang tiến hành chuyển giao công nghệ, cung cấp giống cá cho các hộ trong vùng nuôi thử nghiệm, bước đầu đạt kết quả cao. Ngoài giống cá thủ đất, năm 2012, Trung tâm còn ứng dụng thành công mô hình sinh sản nhân tạo cá vược và hoàn thiện quy trình nuôi bán thâm canh cá vược từ nguồn giống sinh sản nhân tạo. Đến nay, Trung tâm đã làm chủ quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá vược, khả năng sản xuất 15 triệu con/năm đạt tiêu chuẩn chất lượng, với tỷ lệ thành công ương từ cá hương lên cá giống đạt 50,5%. Thành công này đã đóng góp quan trọng trong việc chủ động nguồn giống cá vược tại địa phương. Từ thành công này, Trung tâm tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi bán thâm canh với năng suất 6,8 tấn/ha và chuyển giao trực tiếp cho một số trại giống khác và các hộ nuôi ở các xã của các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng…

Kiểm tra chất lượng giống tu hài tại Trung tâm Giống hải sản huyện Nghĩa Hưng.
Kiểm tra chất lượng giống tu hài tại Trung tâm Giống hải sản huyện Nghĩa Hưng.

Đối với 22 cơ sở sản xuất cá giống nước ngọt, với số lượng sản xuất trên 1,3 tỷ con giống mỗi năm không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp giống cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất các giống cá nước ngọt. Tiêu biểu là công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính đực, cá chày mắt đỏ, cá chình… Năm 2011, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh đã đầu tư hệ thống lò nâng nhiệt, tuyển lựa đàn giống cá bố mẹ, cải tiến các quy trình nuôi vỗ… để cho sinh sản nhân tạo cá chép trước khi vào vụ nuôi thủy sản năm 2012, đáp ứng nhu cầu nuôi tăng vụ của các vùng chuyên canh thủy sản của tỉnh. Đây là bước tiến mới so với các tỉnh trong khu vực. Dự kiến năm 2012, Trung tâm sản xuất từ 25-30 triệu con cá chép bột cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh đang tiến hành phục tráng giống cá rô phi đơn tính đực để phát triển đàn cá. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giống nước ngọt đã và đang tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo các loại cá truyền thống từ Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh và các viện nghiên cứu, sản xuất con giống phục vụ nhu cầu nuôi của nhân dân.

Việc ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất con giống thủy sản đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt trung bình 12,5%/năm và là cơ sở để xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa. Để thực hiện được mục tiêu phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2012-2015, cùng với việc đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý và sản xuất, lựa chọn công nghệ thích hợp cho từng lĩnh vực, đặc biệt là áp dụng tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất con giống và nuôi trồng thủy sản, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động KHCN..., cần có cơ chế khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình sản xuất con giống và nuôi thủy sản tại địa phương. Tiếp tục thực hiện quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động các khu nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GaqP) tại các vùng nuôi tập trung, phấn đấu xây dựng từ 2-3 vùng nuôi đạt tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn. Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất con giống và nuôi thủy hải sản là cơ sở để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất thủy hải sản phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com