Hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ kéo tay trên các chân đất và mùa vụ khác nhau là tên của đề tài khoa học do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nghiên cứu thành công và được Sở Khoa học công nghệ chuyển giao đến các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội, để ứng dụng vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài cho biết kết quả của đề tài cho thấy mỗi hécta canh tác áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng (không gieo mạ và cấy) bằng công cụ cải tiến trong 1 vụ làm lợi cho nông dân tới 5 triệu đồng so với phương pháp gieo mạ và cấy truyền thống. Tức là, với diện tích đã triển khai trong khuôn khổ đề tài xấp xỉ 13.000ha gồm các chân đất khác nhau như vùng đồi gò, vùng đồng bằng của nông thôn Hà Nội, nông dân đã được lợi 65 tỷ đồng/năm từ phương pháp canh tác này.
Kết quả của đề tài không những tạo điều kiện cho việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ hơn trong sản xuất lúa, mà còn tạo động lực cho việc dồn đổi ruộng đất vào 1 thửa, từ đó ứng dụng tiến bộ kỹ thuật san phẳng ruộng bằng hệ thống định vị tự động (kỹ thuật lazer), là tiền đề cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa từ khâu gieo cấy cho đến khâu thu hoạch.
Trong quá trình triển khai đề tài, với phương châm vừa nghiên cứu, vừa hoàn thiện, nhóm nghiên cứu đề tài đã tiến hành điều tra hiện trạng việc gieo thẳng lúa bằng công cụ; nghiên cứu phương pháp ngâm ủ giống để xác định độ dài mầm và rễ phù hợp trước khi đem gieo xuống đồng ruộng bằng công cụ kéo tay.
Qua xây dựng các mô hình trình diễn lúa gieo thẳng bằng dụng cụ kéo tay, nhóm nghiên cứu đề tài cũng xác định mật độ gieo phù hợp nhất với điều kiện thâm canh lúa ở ngoại thành Hà Nội, từ đó cải tiến dụng cụ sạ hàng, giảm lượng giống gieo từ 50-70kg/ha xuống còn 25-30kg/ha. Sau đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc, áp dụng cho lúa gieo thẳng theo hàng bằng giàn kéo tay như: tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo khoahoc.com.vn