Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão

01:07, 14/07/2012

Vài năm gần đây, do bão lũ xuất hiện với tần số thấp và không gây hậu quả lớn nên một số đơn vị thuộc ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh có dấu hiệu lơ là trong thực hiện công tác phòng chống lụt bão (PCLB). Trong đợt kiểm tra đầu mùa mưa bão, Thanh tra Sở TT và TT kết luận: Một số đơn vị trong ngành chưa nắm được các vị trí trọng điểm, quy chế phòng, chống lụt bão, những đầu mối liên hệ để phối hợp và chưa xây dựng được phương án cụ thể khi xảy ra lụt bão…

Sử dụng thiết bị vô tuyến sóng ngắn phục vụ công tác PCLB tại VNPT Nam Định.  Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy
Sử dụng thiết bị vô tuyến sóng ngắn phục vụ công tác PCLB tại VNPT Nam Định.

Trước tình hình trên, Sở TT và TT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống lụt bão nhằm hạn chế thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Sở TT và TT đã tập trung tuyên truyền các quy định, biện pháp PCLB cho các đơn vị trong ngành; tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và đề xuất những biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phòng chống lụt bão, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”. Các doanh nghiệp thông tin di động tập trung phát triển trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) tại các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Hệ thống cột và nhà trạm được các doanh nghiệp thường xuyên quan tâm bảo dưỡng, gia cố, đầu tư thiết bị có công suất lớn đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ biển đảo và nhân dân trên địa bàn… Từ đầu tháng 5-2012 chi nhánh MobiFone Nam Định đã thành lập Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012; xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão với các tình huống giả định khi có lụt bão, phân công các thành viên trực 24/24h và liên tục cập nhật thông tin từ các khu vực trọng điểm để xử lý, ứng cứu kịp thời; tăng cường nhân viên giám sát các khu vực trọng điểm khi có lụt bão xảy ra. Tại Chi nhánh, cửa hàng các huyện được trang bị dự phòng: ắc quy, tủ nguồn, thiết bị truyền dẫn; tại phòng máy các trạm BTS được dự trữ 2 can xăng 20 lít, đảm bảo nhiên liệu khi mưa bão xảy ra. Chi nhánh còn phối hợp với các đối tác như: Cty T&A, DT Telecom bảo dưỡng, gia cố 146 tuyến truyền dẫn cáp quang, lắp đặt thêm giá chống xoay, căng lại dây co anten, đưa vào sử dụng thêm 67 trạm BTS trên địa bàn toàn tỉnh, nâng tổng số trạm BTS lên 219 trạm, mở rộng vùng phủ sóng đảm bảo phục vụ tốt việc thông tin liên lạc… Chi nhánh Viettel Nam Định đưa ra 3 tình huống: mất điện diện rộng, đứt cáp truyền dẫn và mưa lụt làm chia cắt địa hình khi xảy ra thiên tai lụt bão tại các huyện Hải Hậu và Giao Thủy. Chi nhánh còn xây dựng phương án tăng cường cán bộ về các địa bàn trọng điểm; phân bổ vật tư, thiết bị về Trung tâm Viettel các huyện, thành phố và giao nhiệm vụ cho tổ đảm bảo cung cấp nguồn kinh phí mua nhiên liệu để ứng cứu kịp thời. Chi nhánh đã phối hợp với Cty Công trình thực hiện gia cố, bảo dưỡng 70 trạm BTS tại các huyện ven biển. Bên cạnh đó, chi nhánh đang đầu tư xây dựng cột tháp có độ cao 112m  để cung cấp dịch vụ viễn thông tại các huyện ven biển và phục vụ công tác thông tin liên lạc tìm kiếm cứu nạn trên biển… Tại VNPT Nam Định, công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão được tiến hành theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng cứu khi có bão. Ban chỉ huy PCLB VNPT đã cơ bản đảm bảo đủ vật tư dự phòng ở các trạm, trung bình 700 lít xăng/1 trạm HOST, 200 lít xăng/1 trạm BTS, mỗi đơn vị dự trữ khoảng 100 cột bê tông, 200km dây Sub, 80MS cáp, 30km cáp quang, tiếp tục tối ưu hóa mạng lưới và nâng cao chất lượng mạng. VNPT Nam Định đã bố trí nhân lực thường xuyên kiểm tra, củng cố hệ thống dây ngầm, hệ thống bảo an, thu lôi chống sét cột anten viba, vô tuyến điện, củng cố hệ thống nguồn điện, hệ thống báo cháy, báo khói, cắt lọc sét, các dụng cụ phòng chống cháy nổ. Hiện nay, các trạm viễn thông và các trung tâm viễn thông đã được trang bị máy phát điện đề phòng khi mất điện lưới. Ngoài ra VNPT Nam Định có 2 máy phát điện do Trung tâm viễn thông Thành phố Nam Định quản lý sẵn sàng ứng cứu cho các Trung tâm huyện. Đặc biệt, tại VNPT Nam Định, công tác thông tin thông suốt, phục vụ phòng chống lụt bão luôn được bảo đảm nhờ sự kết hợp giữa các mạng: điện thoại cố định, điện thoại di động, viễn thông sóng ngắn CODAN và thiết bị Inmasat quốc tế. Công tác đầu tư mở rộng trạm điện thoại di động BTS trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm thực hiện, nâng tổng số lên 257 trạm BTS 2G, 69 trạm BTS 3G của Vinaphone và một số trạm Mobifone dùng chung cơ sở hạ tầng. Mạng ngoại vi được củng cố đường cột, căn chỉnh lại các mạng cáp, dây thuê bao; gia cố các đường cột tại các nơi vượt sông, gần biển. Mạng vô tuyến điện sóng ngắn với thiết bị hiện đại CODAN đã được đầu tư đầy đủ ở cả 9 Trung tâm viễn thông huyện và 1 đài trưởng mạng cấp II, đồng thời có 4 bộ dự phòng cho trạm trung tâm tại Thành phố Nam Định, 3 cụm ở các huyện ven biển. Hai thiết bị vệ tinh quốc tế Inmasat cầm tay đã được nạp nguồn đầy đủ và thử nghiệm hoạt động tốt, sẵn sàng phục vụ công tác PCLB./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com