Chị Hoàng Thị Hà, xóm 7, xã Hải Hưng (Hải Hậu) sử dụng chế phẩm EM nên chuồng trại chăn nuôi của gia đình luôn sạch sẽ, không có mùi hôi. |
Gia đình anh Mai Văn Tuấn ở xóm 7, xã Hải Hưng (Hải Hậu) có diện tích chuồng trại hơn 100m2, thường xuyên nuôi 40-50 con lợn, nhưng hiện nay, trong khu vực chăn nuôi hầu như không có mùi hôi. Anh Tuấn cho biết: Những năm trước đây, khu vực chuồng trại nhà anh, mùi chất thải chăn nuôi cũng bốc lên nồng nặc, nhất là vào những ngày trời nắng nóng. Được HND xã Hải Hưng tư vấn về chế phẩm sinh học EM có thể khắc phục tình trạng này, tôi đã mua 10 lít dung dịch chế phẩm EM về sử dụng từ đó, mùi hôi giảm hẳn, chuồng trại ít ruồi muỗi. Ngoài ra tôi còn phun chế phẩm EM vào chuồng trại, hầm bi-ô-ga làm cho hầm khí tạo gas nhiều hơn, không khí trong lành, lợn khoẻ, tăng trưởng nhanh.
Chế phẩm EM do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ (Sở KH và CN) nghiên cứu ứng dụng và sản xuất theo công nghệ vi sinh lên men các vi sinh vật có ích: vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lac-tic, nấm men, xạ khuẩn và nấm sợi. Chế phẩm EM có công dụng khử mùi hôi chuồng trại gia súc, gia cầm; phân hủy các chất hữu cơ, thức ăn dư thừa và các chất độc hại như NH3, NO2, H2S có trong ao hồ nuôi thủy sản, nước tiểu động vật; kích thích hệ tiêu hóa vật nuôi nhờ hệ thống enzym sinh học; nâng cao sức đề kháng cho cơ thể vật nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học EM sẽ bổ sung vi sinh vật cho đất; cải thiện môi trường lý, hóa, sinh đất và tiêu diệt tác nhân gây bệnh, sâu hại trong đất; xử lý rác thải, khử mùi hôi của rác, nước thải; tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; tăng hiệu lực sử dụng các chất hữu cơ làm phân bón… Trung tâm đã thử nghiệm chế phẩm sinh học EM tại HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Trung, HTX dịch vụ nông nghiệp Tử Mạc, xã Yên Trung (Ý Yên) đã đạt hiệu quả cao. Các trang trại, hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học này trong thời gian 3 tháng đều không có hiện tượng con nuôi mắc bệnh, kể cả cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng ở lợn, trâu bò; tốc độ tăng trọng của vật nuôi tăng 5-7% so với không sử dụng chế phẩm EM. Ứng dụng chế phẩm EM trong sản xuất khoai tây giống và khoai tây thương phẩm tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định và HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã làm tỷ lệ nhiễm các bệnh héo xanh, vi khuẩn và xoắn lá do vi rút giảm 50%, năng suất tăng 8-12%, chất lượng khoai tây giống tăng rõ rệt, củ có da sáng đẹp, đều, giá trị thương phẩm cao. Từ kết quả thực hiện ở các mô hình trên, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN còn triển khai ứng dụng chế phẩm EM trong xử lý nguyên liệu trồng nấm, xử lý nền đáy và môi trường nước nuôi tôm sú theo hình thức bán thâm canh và quảng canh cải tiến tại các xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), Nam Dương (Nam Trực) và các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy…
Từ hiệu quả thực tế của chế phẩm EM, HND tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng chế phẩm EM trong chăn nuôi nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung đồng thời ký kết chương trình phối hợp với Sở KH và CN về hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT trong sản xuất. HND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tập trung tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Hằng năm, HND tổ chức từ 15-20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học. Đến nay, đã có trên 30% các trang trại, gia trại và các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ứng dụng chế phẩm EM trong chăn nuôi. Trong đó, huyện Ý Yên có trên 70% gia trại, trang trại đã sử dụng chế phẩm EM để phun chuồng trại và xử lý hầm bi-ô-ga. Thời gian tới, HND các cấp tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng có hiệu quả chế phẩm EM trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện các quy trình xử lý nước thải, xử lý rác thải nông nghiệp, quy trình lên men thức ăn và xử lý mùi hôi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vận động nông dân sử dụng phân hữu cơ sinh học để cải tạo đất, từng bước hạn chế sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. HND chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chú trọng công tác chọn giống để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, hướng dẫn nông dân trồng các giống lúa, ngô, lạc chất lượng cao... Định hướng cho nông dân thực hiện tốt quy hoạch của địa phương để xây dựng các vùng cây, con theo hướng chuyên canh, thực hiện tốt chủ trương dồn điền đổi thửa, trên cơ sở đó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh hàng hoá nông sản./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn