Những năm gần đây, huyện Nghĩa Hưng đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao chất lượng nông sản.
Các đại biểu dự hội thảo đầu bờ về giống lúa mới tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng). |
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng có sự đóng góp quan trọng của việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được nhân rộng như: gieo sạ hàng thay thế phương thức cấy lúa truyền thống, ứng dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch lúa và thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến SRI... ; mô hình thâm canh đậu tương bằng phương pháp làm đất tối thiểu; khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa, cây màu chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống của huyện; ứng dụng thành công việc sử dụng chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trên cây lương thực, rau màu, áp dụng hiệu quả phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở các trang trại chăn nuôi gà và lợn; nghiên cứu và ứng dụng thành công quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh; ứng dụng công nghệ sinh học vào quy trình sản xuất giống cá nước mặn, nước ngọt, cua biển... Để tạo hiệu quả cao trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng các mô hình điểm để rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng. Vụ xuân năm 2012, huyện đã xây dựng thành công 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các xã Nghĩa Phú và Nghĩa Thịnh với tổng diện tích 130ha. Hai cánh đồng mẫu lớn sử dụng 100% giống lúa BT7, đồng thời áp dụng đầy đủ các quy trình thâm canh cải tiến theo phương châm “4 cùng” và đưa cơ giới hóa vào hầu hết các khâu, từ làm đất, gieo cấy, chăm bón và thu hoạch. Năng suất và sản lượng ước đạt cao hơn 15% so với phương pháp truyền thống. Cũng trong vụ xuân năm 2012, huyện khảo nghiệm và cấy trình diễn thành công 7 giống lúa mới RVT, ADI 168, Thiên Trường, TBR45, Bắc ưu11, TH7-2 và Thịnh Dụ11. Đây là những giống lúa có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu tốt, đặc biệt thích nghi với vùng đất nhiễm mặn của 9 xã ven biển của huyện. Các giống lúa trên được cấy tập trung tại xã Nghĩa Lợi để dần thay thế các giống lúa đã thoái hóa và chống việc bỏ hoang diện tích đất cấy lúa nhiễm mặn nặng. Tháng 5-2012, Trung tâm Dạy nghề huyện Nghĩa Hưng đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất hạt giống đậu tương xác nhận từ hạt giống nguyên chủng D8 và D2101 do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chuyển giao cho nông dân các xã Nghĩa Minh và Nghĩa Thịnh. Đây là 2 chủng giống đậu tương có hàm lượng đạm cao, năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng được cả 3 vụ trong năm. Cùng với việc hướng dẫn nông dân sản xuất giống, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dạy nghề huyện còn nghiên cứu, hoàn thiện quy trình thâm canh đỗ tương từ khâu giống đến sản xuất hạt thương phẩm theo quy mô hàng hóa. Huyện Nghĩa Hưng đang nhân rộng diện tích trồng đỗ tương và hình thành cây vụ đông chủ lực trong cơ cấu cây màu của huyện. Xã Nghĩa Thịnh có 4 HTXNN với tổng diện tích canh tác gần 532ha. Người dân trong xã có truyền thống thâm canh cao và mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Năm 2012, xã được huyện chọn làm điểm để triển khai đồng thời 2 dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật lớn là xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 100ha và trồng đậu tương giống theo quy trình kỹ thuật mới. Hầu hết các hộ dân tham gia các dự án đều dành nhiều thời gian, tâm huyết để xây dựng thành công mô hình. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn ứng dụng nhiều mô hình trồng nấm công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học như gia đình các ông Nguyễn Văn Tiến ở HTX Đại Hải, Hoàng Văn Thiết, Ngô Văn Khuông, Nguyễn Đình Khơ… Với việc tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, xã đã tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác của xã đạt 105 triệu đồng.
Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Hưng trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao trình độ thâm canh của nông dân. Qua đó, giúp người dân tích cực ứng dụng các giống cây mới trong sản xuất nông nghiệp. Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, huyện Nghĩa Hưng cần đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân mạnh dạn tham gia các chương trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương