Để các đề tài KHCN được ứng dụng vào cuộc sống

07:05, 10/05/2012

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học đã được mở rộng ở hầu hết các lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp, y học, công nghệ thông tin… đến khoa học xã hội nhân văn… Với việc tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, các đề tài khoa học đã phục vụ đắc lực cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thầy giáo Trần Văn Biên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định hướng dẫn sinh viên thực hành.
Thầy giáo Trần Văn Biên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định hướng dẫn sinh viên thực hành.

Để đạt được điều đó, Sở KH và CN đã tập trung đổi mới công tác quản lý đề tài khoa học theo hướng kết quả nghiên cứu phải được ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Theo đó, các khâu xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ, quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học… phải bám sát thực trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở KH và CN khuyến khích các ngành, đơn vị sản xuất ưu tiên cho việc nghiên cứu khoa học và tự đề xuất nhiệm vụ KHCN, tạo điều kiện về thủ tục và vốn để đẩy nhanh quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đồng thời tuyển chọn các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề tài khoa học theo nguyên tắc cạnh tranh. Ngoài ra, Sở KH và CN còn định hướng cho các đơn vị lựa chọn đề tài theo hướng dự báo phát triển trong vòng từ 5-10 năm tới để tránh tình trạng khi chưa nghiên cứu xong, đề tài đã lạc hậu so với cuộc sống; đặc biệt là những đề tài nghiên cứu về giao thông, quy hoạch đô thị, biến đổi khí hậu… Do đó, đã khắc phục được tình trạng lãng phí đề tài sau nghiên cứu vì không phù hợp với thực tiễn hoặc lạc hậu ngay sau khi nghiên cứu. Tỷ lệ đề tài nghiên cứu đạt được kết quả cao ở cả chất lượng nghiên cứu và khả năng ứng dụng vào thực tế ngày một tăng. Tiêu biểu như các đề tài: “Đánh giá những biến động của biến đổi khí hậu với tỉnh Nam Định và các giải pháp thích nghi” do kỹ sư Dương Văn Hưng, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Định làm chủ nhiệm; “Nghiên cứu duy trì, chọn lọc giống lúa mẹ 2 dòng TGMS 21S chất lượng cao, tạo nguồn giống gốc cho thử nghiệm các tổ hợp lúa lai 2 dòng mới tại Nam Định” do Trung tâm Giống cây trồng Nam Định thực hiện;  “Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường độc hại tới tỷ lệ dị dạng bẩm sinh của một số người dân ở một số làng nghề cơ khí tỉnh Nam Định” do Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định thực hiện… Cùng với sự nỗ lực của Sở KH và CN, đến nay, các ngành và 10 huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập Hội đồng khoa học cấp cơ sở để quản lý, đề xuất nhiệm vụ khoa học và hỗ trợ việc thực hiện các đề tài trên địa bàn. Thành phố Nam Định là đơn vị tiêu biểu trong hoạt động hỗ trợ nghiên cứu đề tài khoa học. Phòng Kinh tế thành phố thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn quy trình thực hiện đề tài cho các doanh nghiệp; khuyến khích thành lập hội đồng khoa học trong các doanh nghiệp để làm cầu nối thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất của đơn vị, đồng thời làm tốt vai trò là cầu nối giữa đơn vị nghiên cứu và đơn vị thử nghiệm cũng như nhân rộng ứng dụng kết quả, sản phẩm của các đề tài. Hiện tại, Thành phố Nam Định đang ứng dụng thành công đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đánh số nhà tại Thành phố Nam Định”, góp phần hệ thống hóa việc đánh số nhà và cập nhật vào phần mềm quản lý số nhà tiến tới xây dựng bản đồ số nhà công khai trên mạng internet. Đến nay hơn 400 hộ dân ở 2 tuyến phố Nguyễn Công Trứ và Song Hào đã được đánh số và gắn biển số nhà, ngõ ngách theo phương pháp này. Đề tài “Thực trạng và các giải pháp giảm thiểu tật khúc xạ ở học sinh tiểu học” đã cảnh báo thực trạng tật khúc xạ ở học sinh tiểu học, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục. Kết quả nghiên cứu của đề tài này được đưa vào chương trình y tế học đường và áp dụng trong điều trị tật khúc xạ cho học sinh tại tất cả các trường tiểu học của thành phố, đồng thời áp dụng trong thực tế điều trị tật khúc xạ tại Trung tâm Y tế thành phố và Bệnh viện mắt Nam Định. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng đưa ra những cơ chế khuyến khích về thời gian, điều kiện nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học. Thầy giáo Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Liên Minh (Vụ Bản) cho biết: Trung tâm có cơ chế khuyến khích các thầy, cô giáo và học sinh đưa ra ý tưởng nghiên cứu khoa học và thành lập hội đồng tham gia phản biện để xây dựng đề tài nghiên cứu trước khi đăng ký đề tài với Sở KH và CN. Trong quá trình thực hiện, nhà trường tạo điều kiện hỗ trợ về thời gian, kinh phí để tác giả hoàn thành việc nghiên cứu và áp dụng trong thực tế giảng dạy của nhà trường. Thực tế nhiều năm qua, các thầy, cô giáo đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học và có tính ứng dụng cao. Tiêu biểu như các đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo thành công mô hình máy phát điện xoay chiều 3 pha bằng sức gió”; “Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu dụng cụ thí nghiệm trong nhà trường”…

Với việc đổi mới, tăng cường công tác quản lý đề tài khoa học gắn với thực tiễn đời sống nên số đề tài KHCN sau nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com