Những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp tiết kiệm điện được áp dụng trên máy dệt kiếm PICANOL tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định. |
Hằng năm các ngành, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật gắn với nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Qua đó đã tạo động lực làm việc, sáng tạo cho CNVC - lao động, đem lại hiệu quả, năng suất lao động cao hơn. Nhiều đơn vị có phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sôi nổi, thu hút nhiều CNVC - lao động tham gia như Thành phố Nam Định, các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, các ngành GD và ĐT, Công thương, Y tế… Do đó chất lượng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng được nâng cao cả về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất và đời sống. Tiêu biểu trong số các giải pháp được Hội đồng khoa học các sở, ngành đánh giá cao và đạt giải sáng kiến cải tiến kỹ thuật toàn tỉnh năm 2011 là “Giải pháp sử dụng mô hình 3D trong công tác thẩm định thềm giảm sóng, mỏ hàn lắp dựng cấu kiện TETRAPOD” phục vụ cho công tác bảo vệ đê biển của tác giả Trần Đức Việt (Sở NN và PTNT). Đây là giải pháp sử dụng công cụ mô hình 3D trong phần mềm AutoCAD để tạo ra khối cấu kiện rắn với chiều cao 1,5m và tự động tính toán khối lượng thể tích, khối lượng diện tích mặt ngoài để sắp xếp cấu kiện vào vị trí theo thiết kế; đồng thời rà soát, xem xét hình ảnh 3D để điều chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật như: kích thước, tạo khối rắn, tạo đường tâm, tạo hình khối và sắp xếp cấu kiện cho phù hợp với điều kiện ngoài thực địa… Giải pháp này đã được áp dụng đầu tiên tại kè phía đông cống Thanh Niên (Giao Thủy) và các tuyến đê biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Ngoài hiệu quả về việc ngăn cắt sóng, giảm thiểu thiệt hại cho đê biển, giải pháp trên đã giúp đơn vị quản lý kiểm tra kỹ thuật, xác định chính xác khối lượng vật tư cần dùng và dò xét không gian giữa các cấu kiện một cách nhanh gọn và chính xác, góp phần đảm bảo an toàn đê, kè trong mùa mưa lũ. Các sáng kiến “Nuôi cá trắm đen, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tươi sống” của tác giả Hoàng Thanh Dương (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh); “Ứng dụng phương pháp nghiên cứu dịch tễ học để xác định một số yếu tố nguy cơ làm phát sinh dịch tai xanh” của tác giả Phạm Thị Hoa (Chi cục Thú y tỉnh)… đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và thủy sản trong tỉnh. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật tập trung vào việc nghiên cứu cải tiến, hợp lý hóa sản xuất trong các dây chuyền sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giải pháp “Tiết kiệm điện khi dừng máy cho động cơ chính máy dệt kiếm PICANOL” của các tác giả Đoàn Thanh Hải và Phạm Văn Hưng (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Máy dệt PICANOL khi vận hành tiêu hao nhiều điện năng, đặc biệt ngay cả khi dừng máy. Nhóm tác giả đã nghiên cứu lắp thêm mạch điều khiển vào hệ thống thiết bị để chuyển đổi điện áp khi máy chạy là từ 3 pha 380V sang điện áp 3 pha 220V. Nhờ đó, trung bình một tháng, sản lượng điện tiêu thụ của máy dệt kiếm PICANOL giảm được 20% so với trước. Giải pháp này đã được triển khai ứng dụng ở cả 30 máy dệt PICANOL và hầu hết các dây chuyền sản xuất khác trong Cty. Bên cạnh đó, những sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục và quản lý hành chính đã mang lại giá trị tích cực về mặt xã hội như sáng kiến “Chế tạo thiết bị kiểm tra chẩn đoán hư hỏng hệ thống điều khiển tự động động cơ ô tô dùng trong giảng dạy” của các tác giả: Trần Quốc Đảng, Nguyễn Trung Kiên (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định); giải pháp “Gây hứng thú cho học sinh khi học môn sinh học lớp 8” của tác giả Đinh Thị Tuyết, giáo viên Trường THCS Giao Tân (Giao Thủy); “Kinh nghiệm giảng dạy các bài tập phát triển tính diện tích hình học lớp 4” của tác giả Trần Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định)… đã phát huy khả năng tư duy của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Giải pháp “Phương án phân luồng giao thông phù hợp với tình hình phát triển đô thị tại Thành phố Nam Định” của tác giả Lâm Quốc Khánh (Phòng Quản lý đô thị thành phố); giải pháp “Nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về hộ tịch trên địa bàn huyện Nam Trực” của tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa, UBND huyện Nam Trực đã được áp dụng vào thực tế.
Kết quả phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong thời gian qua ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực sự tạo động lực thúc đẩy phong trào ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương